Huyện đảo nhỏ nhất Việt Nam được ví như 'hòn ngọc xanh' giữa biển Đông sắp trở thành đặc khu có gì hot?
Hòn đảo này không chỉ nổi bật với vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình mà còn mang trong mình giá trị lịch sử và sinh thái đặc biệt.
Theo Nghị quyết số 26/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Trị thông qua việc chuyển nguyên trạng huyện đảo Cồn Cỏ thành đặc khu Cồn Cỏ. Cũng theo dự kiến, sau khi sáp nhập hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị thì cồn cỏ vẫn là đặc khu của tỉnh mới (dự kiến lấy tên là tỉnh Quảng Trị). Đây không chỉ là sự điều chỉnh về mặt hành chính, mà còn mở ra cơ hội đột phá cho đảo phát triển theo mô hình đặc thù – linh hoạt, chuyên biệt và nhiều ưu đãi.
Đảo Cồn Cỏ, còn được mệnh danh là "viên ngọc xanh" giữa Biển Đông, là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. Đảo Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt quan trọng trong an ninh, quốc phòng, là cửa ngõ phía nam vịnh Bắc Bộ, có điểm A11 là đường cơ sở để xác định chiều rộng lãnh hải, tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cồn Cỏ được mệnh danh là "chiến hạm thép" canh giữ biển Đông, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hiện nay, trên đảo còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử như hầm quân y, nhà truyền thống, cột cờ Tổ quốc và ngọn hải đăng, thu hút du khách đến tham quan và tìm hiểu.

Nằm cách cảng Cửa Việt khoảng 15 hải lý (gần 30km), hòn đảo này không chỉ nổi bật với vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình mà còn mang trong mình giá trị lịch sử và sinh thái đặc biệt. Cồn Cỏ có diện tích khoảng 2,2km2, chu vi khoảng 8km. Địa hình đảo bao gồm hai điểm cao: đỉnh phía Tây cao 63,4m và đỉnh phía Đông cao 37m, hiện là huyện đảo nhỏ nhất Việt Nam. Được hình thành từ hoạt động phun trào núi lửa cách đây hơn 40.000 năm, đảo sở hữu các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, tạo nên cảnh quan địa chất ấn tượng.
Việc trở thành đặc khu sẽ tạo điều kiện để Cồn Cỏ khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý: gần đất liền, thuận tiện phát triển giao thông đường biển, đánh bắt – nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, và đặc biệt là du lịch biển đảo.
Trên đảo, hơn 60% diện tích được bao phủ bởi rừng tự nhiên, tạo thành hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng hiếm gặp ở các đảo núi lửa tại Việt Nam. Hệ động thực vật phong phú, với nhiều loài đặc hữu như cây bàng vuông cổ thụ và loài hàu răng cưa khổng lồ chỉ xuất hiện tại đây. Nước biển quanh đảo trong xanh, nhiệt độ ổn định quanh năm, tạo điều kiện lý tưởng cho các hoạt động du lịch biển.
Du khách có thể tham gia các hoạt động như lặn biển ngắm san hô, câu mực đêm, khám phá rừng nguyên sinh và trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương. Để đến đảo, du khách có thể đi tàu cao tốc từ cảng Cửa Việt, mất khoảng 1,5 giờ di chuyển.
Trong chuyến làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Quảng Trị giữa tháng 10/2024, tỉnh này cũng nêu kiến nghị xây dựng đề án phát triển huyện đảo Cồn Cỏ mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh. Quảng Trị đề nghị được thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi khu vực xung quanh đảo Cồn Cỏ để bảo đảm nguồn điện tại chỗ và kết hợp phát triển du lịch; xây dựng trung tâm hỗ trợ hậu cần nghề cá Cồn Cỏ; hỗ trợ tỉnh đầu tư nâng cấp điểm cơ sở A11; cho gia cố, bổ sung để mở rộng diện tích của đảo Cồn Cỏ tương đương diện tích ban đầu.
> > Từ bây giờ, một loại đất bị biến thành đất ở sẽ bị phạt tới 400 triệu đồng
Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam dự kiến sẽ trở thành 2 đặc khu sau sáp nhập
Huyện đảo đông dân nhất cả nước dự kiến sẽ trở thành một đặc khu hành chính mới