Đây là nơi có tiềm năng du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch lịch sử, du lịch sinh thái và văn hóa.
Huyện Điện Biên thuộc tỉnh Điện Biên hiện là huyện duy nhất trùng tên tỉnh trực thuộc ở Việt Nam. Huyện nằm về phía tây nam tỉnh Điện Biên. Ngoài tên huyện Điện Biên, từ "Điện Biên" còn có trong tên TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên.
Cổng TTĐT Điện Biên cho biết tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841, trong đó "điện" nghĩa là vững chãi, "biên" nghĩa là vùng biên giới, biên ải; nên Điện Biên có thể hiểu là miền biên cương vững chãi. Phủ Điện Biên thời Thiệu Trị gồm 3 châu: Ninh Biên, Tuần Giáo và Lai Châu. Tên gọi Điện Biên hay Điện Biên Phủ xuất hiện từ đó.
Huyện Điện Biên có tổng diện tích tự nhiên gần 140.000ha; với 171,2km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với 2 tỉnh, 61 mốc quốc giới, 2 cửa khẩu (cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, cửa khẩu Quốc gia Huổi Puốc). Huyện có 21 đơn vị hành chính cấp xã.
Huyện nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có chế độ khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc; mùa đông tương đối lạnh, ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều với các đặc tính diễn biến thất thường, phân hóa đa dạng, ít chịu ảnh hưởng của bão, chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam (gió Lào) khô và nóng.
Điện Biên là nơi có tiềm năng du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch lịch sử, du lịch sinh thái và văn hóa. Bên cạnh đó, Điện Biên còn có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú với quang cảnh rừng núi, hệ thống hang động, nguồn nước khoáng nóng và hồ nước trải khắp nơi góp phần làm đa dạng nguồn tài nguyên du lịch của cả tỉnh.
Thuộc xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên, hang động Chua Ta dài hơn 500m, có nhiều khối thạch nhũ tạo hình đẹp mắt, sinh động, ánh lân tinh lấp lánh,... Nơi đây đã được công nhận Di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia vào năm 2015.
Lễ hội Đền Hoàng Công Chất - Thành Bản Phủ ở Điện Biên được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2015. Sự kiện được tổ chức vào tháng 2 Âm lịch hàng năm, có lễ rước kiệu, múa rồng, dâng hương tưởng nhớ nghĩa quân Hoàng Công Chất cùng các hoạt động vui hội khác.
Đây là sự kiện văn hóa nhằm duy trì và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Lễ hội cũng là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khơi dậy tinh thần “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thu hút sự hưởng ứng của nhân dân địa phương và du khách thập phương, góp phần quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hóa, thể thao các dân tộc trên địa bàn, thúc đẩy phát triển du lịch Điện Biên.