Tài chính Ngân hàng

Hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế: Liệu có phải sự hy sinh 'không có thành quả'?

Minh Nguyệt 29/01/2024 10:43

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều ngân hàng lựa chọn "chia sẻ" lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các biện pháp giảm lãi suất. Tuy vậy, liệu đây có phải sự hy sinh "không có thành quả"?

Năm 2023, thay vì bàn luận “ngân hàng nào có kết quả kinh doanh tốt nhất?”, câu hỏi “ngân hàng nào lãi suất thấp nhất?” được bàn tán sôi nổi hơn bao giờ hết. Thực trạng kinh tế khó khăn bao trùm các cá nhân và doanh nghiệp, theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đồng loạt "hy sinh" lợi nhuận bằng các biện pháp giảm lãi suất cho vay và tung ra các gói tín dụng với lãi suất thậm chí chỉ 0%.

Tuy vậy, nhìn từ góc nhìn kinh doanh của các ngân hàng, sự hy sinh này có ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhập từ lãi. Vậy, liệu đây có phải sự hy sinh "không có thành quả"?

Lời “kêu cứu” từ cá nhân và doanh nghiệp

Năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,05% cả năm, mặc dù đây là mức tăng trưởng tương đối tích cực so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, mức tăng này vẫn thấp hơn so với kế hoạch 6,5% của Chính phủ. Không khó có thể thấy doanh nghiệp và các cá nhân chịu ảnh hưởng lớn trước bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra.

Hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế: Liệu có phải sự hy sinh “không có thành quả”?
GDP cả năm tăng 5,05%, nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch 6,5% của Chính phủ

9 tháng đầu năm 2023, theo dữ liệu của SSI Research, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lợi nhuận sau thuế những tháng cuối năm có phần khởi sắc, nhưng các doanh nghiệp cũng không tránh khỏi khó khăn, buộc phải giảm chỉ tiêu lợi nhuận. Quý III/2023, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm 5% so với cùng kỳ.

>> Hàng loạt doanh nghiệp điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận ở 'phút 89'

Trước khó khăn bao trùm, tháng 1 năm nay, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng TP. HCM năm 2024, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM đã đứng lên đề nghị ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách hy sinh một phần lợi nhuận để giảm thêm lãi vay. Mặc dù hiện tại mặt bằng lãi vay đã giảm so với đầu năm 2023, song để có thể vực dậy thị trường, doanh nghiệp cần thêm sự chia sẻ về lãi vay.

>> Đề nghị ngân hàng hy sinh một phần lợi nhuận để giảm thêm lãi vay cho doanh nghiệp

Lời hồi đáp kịp thời

Để “hồi đáp” những khó khăn của doanh nghiệp, NHNN lựa chọn chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý. Theo đó, lãi suất điều hành được NHNN điều chỉnh 4 lần trong năm 2023 với mức giảm 0,5-2,0%/năm; tung liên tục các gói hỗ trợ nền kinh tế như gói 120 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở và các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thuỷ hải sản…

Sang năm 2024, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, giúp tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong năm 2024.

Hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế: Liệu có phải sự hy sinh 'không có thành quả'?
Trong năm 2023, NHNN liên tục có nhiều động thái hỗ trợ những khó khăn của doanh nghiệp

Theo sự chỉ đạo của NHNN, một năm qua, các NHTM liên tục giảm mặt bằng lãi suất song song với tung ra các gói vay với lãi suất ưu đãi đến tận thời điểm hiện tại - khi cá nhân và doanh nghiệp tất bật chuẩn bị trước thềm đón Tết Nguyên đán.

BVBank được đánh giá là ngân hàng luôn tiên phong đưa ra các gói vay ưu đãi liên tục để đồng hành cùng khách hàng trong năm Quý Mão. Đầu năm 2024, BVBank tiếp tục tung gói lãi suất chỉ 5%/năm với các mục đích vay vốn khác nhau như: vay mua nhà, tiêu dùng cá nhân, bổ sung vốn cho sản xuất kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, đầu tư trang thiết bị máy móc. Ngân hàng cũng giảm biên độ cho vay sau khi hết lãi suất ưu đãi chỉ còn 2%/năm.

>> Mở đầu năm mới, khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ BVBank với gói vay ưu đãi chỉ từ 5%/năm

Hay HDBank triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng có tên "Vay mới đời phơi phới, lãi suất 0%" dành cho khách hàng cá nhân vay mới hoặc khách hàng cá nhân hiện hữu muốn vay thêm; Sacombank đã triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 3%/năm trong tháng đầu tiên; Kienlongbank triển khai gói vay lãi suất 0% dành cho khách hàng cá nhân trong tháng đầu tiên.

Liệu đây có phải sự “hy sinh” không có “thành quả”?

Việc hy sinh lãi vay đồng nghĩa với việc ngân hàng đang chia sẻ lợi nhuận với cá nhân và doanh nghiệp, do đó, phần nào ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm sắp được công bố. Điều này có thể thấy từ TPBank, ghi nhận kết quả giảm đến 67% lợi nhuận sau thuế trong quý IV và giảm 29% trong năm 2023 do thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất khiến kết quả kinh doanh không đạt như kỳ vọng.

Hay Techcombank cũng có động thái hạ lãi suất, tung ra các gói vay hỗ trợ khách hàng, phần nào hy sinh lợi nhuận, khiến lợi nhuận trước thuế giảm 10% so với năm 2022, đạt 22.888 tỷ đồng. Ngân hàng được đánh giá là tiên phong trong việc tung ra các gói lãi suất ưu đãi - BVBank cũng ghi nhận giảm lợi nhuận trước thuế, đạt gần 72 tỷ đồng trong năm 2023. Ngân hàng PGBank lỗ hơn 4,6 tỷ đồng trong quý IV/2023, lãi trước thuế cả năm giảm một nửa so với cùng kỳ do ngân hàng giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương của Chính phủ.

>> Cập nhật KQKD: Lộ diện 17 ngân hàng công bố KQKD, 1 ngân hàng lợi nhuận tăng gấp 92 lần trong quý IV/2023

Hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế: Liệu có phải sự hy sinh 'không có thành quả'?
Việc tung ra các gói vay với lãi suất hấp dẫn giúp BVBank tăng quy mô khách hàng gấp 2 lần so với năm 2021

Tuy vậy, nếu nhìn theo chiều hướng khác, chiến lược “hy sinh” này hoàn toàn hiệu quả trong mở rộng quy mô khách hàng. Ví dụ như BVBank, bằng việc tung ra các gói vay với lãi suất hấp dẫn, mở rộng mạng lưới kinh doanh và phát triển công nghệ, số lượng khách hàng của ngân hàng đã tăng hơn gấp đôi 2021, đạt 1,7 triệu khách hàng trong năm 2023. Hay TPBank, từ con số 8,5 triệu khách hàng trong năm 2022, ngân hàng đã vượt mốc 12 triệu khách hàng trong năm 2023 nhờ chiến lược số hoá và ưu đãi lãi suất.

>> BVBank tăng trưởng tín dụng gần 14% năm 2023, 70% dư nợ chuyển dịch sang cá nhân sau chiến lược ngân hàng bán lẻ

Với sự chỉ đạo của NHNN, mặt bằng lãi suất được dự báo tiếp tục giảm trong năm Giáp Thìn, bài toán hy sinh lợi nhuận nhưng vẫn đảm bảo kết quả kinh doanh hiệu quả tiếp tục gây đau đầu các nhà băng. Tuy vậy, nhìn theo cơ hội trước mắt, bằng tệp khách hàng dài hạn được các ngân hàng xây dựng thành công trong năm 2023 và các năm tiếp theo, sự hy sinh lợi nhuận của các NHTM sẽ là sự hy sinh dành cho tương lai dài hạn, và không phải sự hy sinh “không có thành quả”.

>> Ngành ngân hàng 2023: 'Tạm thời giảm tốc để tăng trưởng dài hạn'

Nhà băng nào trả lãi suất không kỳ hạn cao nhất?

Đề nghị giảm thêm 2%/năm lãi suất cho vay để phục hồi đầu tư

Lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh ở kỳ hạn ngắn

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hy-sinh-loi-nhuan-de-ho-tro-nen-kinh-te-lieu-co-phai-su-hy-sinh-khong-co-thanh-qua-221613.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế: Liệu có phải sự hy sinh 'không có thành quả'?
POWERED BY ONECMS & INTECH