Kênh đào 1,7 tỷ USD - ‘đường ra biển’ của Campuchia

02-05-2024 09:23|Phương Nhi

Siêu dự án này đánh dấu cơ sở hạ tầng lớn đầu tiên của nước này kết nối sông Mekong với đường biển, nhằm mở rộng tiềm năng vận tải biển quốc gia.

Cuối năm 2023, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Ủy ban liên bộ Campuchia do Phó thủ tướng Sun Chanthol đứng đầu đã ký kết thỏa thuận với đại diện Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) về dự thảo khung xây dựng kênh đào nối ra biển mang tên Phù Nam Techo.

Thỏa thuận này cho phép CRBC tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tất cả các khía cạnh của dự án trong vòng 8 tháng. Công trình này dự kiến dài khoảng 180km.

Công trình trị giá khoảng 1,7 tỷ USD (hơn 43 nghìn tỷ đồng) có 3 đập đường thủy, 11 cầu và 208km đường hai bên và dự kiến được Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc CRBC thực hiện theo hình thức xây dựng, vận hành và chuyển giao. Đây là hình thức cho phép thi công vận hành, thu lợi nhuận trong khoảng 50 năm. Dự án dự kiến khởi công năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027.

Siêu dự án này đánh dấu cơ sở hạ tầng lớn đầu tiên của Campuchia kết nối sông Mekong với đường biển, nhằm mở rộng tiềm năng vận tải biển của quốc gia Đông Nam Á này.

Kênh đào 1,7 tỷ USD - ‘đường ra biển’ của Campuchia
Phát biểu tại Phnom Penh ngày 28/4, ông Hun Manet khẳng định cam kết thúc đẩy tầm nhìn của cha mình, cựu Thủ tướng Hun Sen, nhằm hiện thực hóa kênh đào Phù Nam Techo. Ảnh: Khmer Times

Phù Nam Techo dự kiến có chiều rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ nguồn, sâu 5,4m, gồm độ sâu điều hướng (navigation depth) 4,7m và biên an toàn 0,7m, cho phép tàu hàng tải trọng toàn phần lên đến 3.000 tấn đi qua vào mùa khô, 5.000 tấn vào mùa mưa. Kênh có hai làn, các phương tiện có thể ra vào và tránh nhau an toàn.

Được biết, dự án này mang tên Hệ thống giao thông và hậu cần sông Bassac (BRNLS). Tại phiên họp toàn thể lần thứ VI của Quốc hội Campuchia ngày 19/5/2023, dự án được đặt tên lại là "Kênh đào Phù Nam Techo". Đây cũng là tên chính thức của kênh đào đến nay.

Sau đó đến tháng 6, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Hun Sen đã thành lập ủy ban liên bộ nghiên cứu và thực hiện dự án gồm 37 thành viên để xem xét và tư vấn về thủ tục, khung pháp lý và đánh giá hiệu quả kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành vận tải đường thủy và đường biển của Campuchia.

Tham vọng trở thành điểm sáng của thị trường vận tải

Về mặt chiến lược, dự án kênh đào Phù Nam Techo thể hiện tham vọng của chính quyền Campuchia, định vị quốc gia này là một điểm sáng đang lên trong thị trường vận tải khu vực. Bằng cách tập trung vào phát triển đường thủy và cảng, Campuchia muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và cải thiện cơ sở hạ tầng nội địa.

Con kênh dự kiến sẽ là tuyến đường thủy nối thủ đô Phnom Penh với tỉnh Kampot, qua sông Bassac. Tỉnh Kampot nằm ở phía Nam Campuchia, có một mặt giáp với tỉnh Kiên Giang của Việt Nam, và một mặt giáp với vịnh Thái Lan. Dự án sẽ cho phép hàng hóa được vận chuyển đến và đi từ cảng Phnom Penh ra biển mà không cần phải trung chuyển qua Việt Nam.

Kênh đào 1,7 tỷ USD - ‘đường ra biển’ của Campuchia
Ảnh: Khmer Times

Theo đó, do Campuchia hiện chỉ có một cảng biển nước sâu là Sihanoukville có công suất thấp (chỉ khoảng 700.000 TEU mỗi năm), nước này vẫn cần trung chuyển hàng hóa một phần qua Việt Nam để đi ra biển (xuôi sông Mekong rồi ra các cảng ven Biển Đông của Việt Nam, thường là Cát Lái và Cái Mép).

Tuyến đường thủy mới Phù Nam Techo sẽ thay đổi điều này, và do đó hy vọng giúp Campuchia giảm khoảng 16% chi phí vận tải.

Phát biểu trên tờ Khmer Times, John Yip Weiyan, Giám đốc đầu tư bất động sản tại Belt Road Capital Management, cho biết: “Dự án cơ sở hạ tầng kênh đào Phù Nam Techo sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành hậu cần Campuchia vì nó sẽ tác động đến việc phân phối thông lượng container giữa cảng nước sâu Sihanoukville và cảng kết nối qua Việt Nam. Nhiều chuyến hàng hóa hơn sẽ được chuyển qua các cảng địa phương của Campuchia khi việc sử dụng tuyến đường thủy kênh đào bắt đầu".

Trọng tâm phát triển kinh tế

Đồng thời, quốc gia Đông Nam Á nhận định kênh đào Phù Nam Techo sẽ giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa, thiết lập các cửa ngõ logistics và thương mại, tạo thêm việc làm, thúc đẩy quy hoạch, đô thị hóa và phát triển thị trường bất động sản, phát triển "cực kinh tế thứ tư" của nước này.

Kênh đào 1,7 tỷ USD - ‘đường ra biển’ của Campuchia

Phối cảnh một đoạn trong dự án kênh đào Funan Techo. Ảnh: Troryorng Media

"Cực kinh tế" là những khu vực địa lý tập trung hoạt động kinh tế. Campuchia xác định 5 cực kinh tế của đất nước gồm các tỉnh Phnom Penh, Preah Sihanouk và Siem Reap cùng hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc đất nước.

Đồng thời, tuyến đường thủy dự kiến còn nâng cao sự phát triển của các hoạt động kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Campuchia.

Đối với các điểm đến như Kep và Kampot, dự án được kỳ vọng sẽ mang lại cho các nhà đầu tư bất động sản, chủ doanh nghiệp và dân cư địa phương ở hai bên kênh đào sự thịnh vượng mới nhờ khả năng kết nối với Phnom Penh.

Nhìn vào bức tranh rộng hơn, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng cường tính kết nối thúc đẩy tăng trưởng là một trong những trọng tâm chính của Chính phủ Campuchia hiện nay.

Không chỉ xây dựng mới Trung tâm hậu cần và cảng đa năng quốc tế Kampot, Campuchia còn đầu tư cảng nước sâu Sihanoukville để mở rộng khả năng tiếp đón các tàu lớn hơn thường xuyên hơn.

Chỉ cách cảng nước sâu quốc tế Sihanoukville 20km về phía Đông Bắc là SEZ Sihanoukville do Trung Quốc đầu tư mà phó tỉnh trưởng Sihanoukville Long Dimanche cho biết là khu công nghiệp lớn nhất về quy mô và công suất sử dụng ở Đông Nam Á.

Kênh đào Phù Nam Techo và SEZ Sihanoukville chỉ là hai trong số nhiều dự án cơ sở hạ tầng với nguồn vốn vay từ Trung Quốc, và đóng vai trò then chốt trong sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI) của Bắc Kinh.

Các khoản vay và đầu tư từ Trung Quốc đang thực sự làm thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng của Campuchia.

Diễn đàn Tương lai có trụ sở tại Phnom Penh ước tính đến tháng 6/2021 ở Campuchia, Trung Quốc đã xây dựng 8 cây cầu và 3.287km đường với tổng trị giá hơn 3 tỷ USD từ các khoản vay ưu đãi, lãi suất thấp hơn so với trên thị trường.

Tuy nhiên, theo Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia vào tháng 12/2022, tổng nợ nước ngoài của nước này đã gần 10 tỷ USD, trong đó 41% là nợ Trung Quốc. Vấn đề cấp thiết hiện tại là Campuchia có thể tận dụng được các dự án hạ tầng mới để sinh lợi cho nền kinh tế đến đâu, nếu muốn có đủ tiền trả nợ.

>> Láng giềng Việt Nam tham vọng xây siêu sân bay, nhà đầu tư Trung Quốc bất ngờ rút lui khiến giấc mơ ‘tan thành mây khói’

Láng giềng Việt Nam tiết lộ dự án kênh đào ‘khủng’: Tiêu tốn 43 nghìn tỷ đồng, dài 180km, nguy cơ làm thay đổi dòng chảy sông MeKong

Sang láng giềng Việt Nam ‘thuê đất’, hứa hẹn trả tiền hậu hĩnh, người Trung Quốc bỗng ‘bốc hơi không dấu vết’, để lại hàng trăm dự án ma

Quá phụ thuộc vào Trung Quốc, thành phố ở Campuchia sở hữu tới 500 'tòa nhà ma'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kenh-dao-17-ty-usd-duong-ra-bien-cua-campuchia-233009.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Kênh đào 1,7 tỷ USD - ‘đường ra biển’ của Campuchia
POWERED BY ONECMS & INTECH