Kênh giao thương chủ chốt Nga-Trung gặp trục trặc, chuyện gì đã xảy ra?
Ngành đường sắt Nga đang trải qua giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Một trong những kênh giao thương chủ chốt của Nga với Trung Quốc đang đối mặt với những trục trặc nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do áp lực từ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi xung đột, khiến ngành đường sắt của Nga – kênh vận tải quan trọng giữa Moscow và Bắc Kinh – suy giảm hoạt động đáng kể.
Ngành đường sắt Nga đang trải qua giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, với xu hướng giảm vẫn "đang diễn ra mạnh mẽ", theo phân tích của công ty nghiên cứu MMI Research của Nga.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển bởi Russian Railways, hệ thống đường sắt quốc doanh của Nga, đã giảm 5% trong 11 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, Business Insider trích dẫn.
Việc ngành đường sắt Nga suy giảm hiệu suất không chỉ là do các yếu tố kinh tế thông thường mà còn liên quan trực tiếp đến nhu cầu vận chuyển các vật tư phục vụ cho cuộc xung đột.
Việc ưu tiên sử dụng đường sắt để vận chuyển các vật tư này đã khiến hệ thống bị quá tải, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Điều này làm cho quá trình vận chuyển các mặt hàng thương mại quan trọng như than đá và nhôm bị chậm lại, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại nói chung.
Ngoài ra, đầu tư vào hệ thống đường sắt của Nga cũng đang bị cắt giảm, một phần do lãi suất cao trong nước. Theo một báo cáo từ TASS, Russian Railways dự kiến chỉ dành 890 tỷ rúp, tương đương 8,5 tỷ USD cho chương trình đầu tư vào năm tới, giảm 30% so với mức đầu tư năm 2024.
Hãng này đang cân nhắc khả năng cắt giảm thêm 1/3 đầu tư từ nay đến cuối thập kỷ, theo báo cáo của Kommersant, một trang tin của Nga. Russian Railways chưa đưa ra bình luận trước yêu cầu từ Business Insider.
Những thay đổi này báo hiệu tín hiệu tiêu cực cho thương mại giữa Nga và Trung Quốc, vốn phụ thuộc vào vận tải đường sắt trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Nga đã chi hàng tỷ USD vào hệ thống đường sắt trong năm nay nhằm đáp ứng sự gia tăng thương mại với Trung Quốc.
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã nâng lãi suất lên mức kỷ lục 21% hồi đầu năm nhằm kiềm chế lạm phát. Còn trong tuần vừa qua, CBR đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại. Lý do là họ lo ngại rằng nếu lãi suất thay đổi, đặc biệt là tăng thêm, nền kinh tế vốn đã chịu nhiều áp lực từ cuộc xung đột có thể rơi vào trạng thái “hạ nhiệt quá mức”.
Theo BI
>> Lộ diện 5 quốc gia giúp kinh tế Nga trụ vững bất chấp bị ‘giáng đòn’ trừng phạt liên tiếp