Khám phá hang động đá vôi nhiều tầng nằm trong lòng núi ở một tỉnh miền Bắc, cảnh sắc đẹp như ‘chốn tiên’ nhưng phải leo 1.200 bậc mới tới nơi
Lối vào các hang là cửa đá chỉ vừa đủ 1 người đi qua, nhưng khi vào trong sẽ mở ra không gian rộng lớn với nhiều nhũ đá đa màu sắc tuyệt đẹp.
Nhắc đến du lịch Thái Nguyên thì hang Phượng Hoàng chắc chắn là điểm đến mà bạn không nên bỏ lỡ trong chuyến hành trình của mình.
Theo đó, hang Phượng Hoàng nằm trên đỉnh núi cùng tên, nổi tiếng với cấu trúc hang trong hang cùng những khối thạch nhũ đẹp mắt, hình thù độc đáo, thu hút rất nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Truyền thuyết về tên gọi hang Phượng Hoàng
Theo một số người dân địa phương, tên gọi hang Phượng Hoàng bắt nguồn từ việc bên trong hang có rất nhiều khối đá và nhũ thạch với các hình thù kỳ ảo. Điều này khiến họ liên tưởng đến hình ảnh chim phượng hoàng tung cánh uy nghi và đầy sức mạnh. Vì thế mà cái tên hang Phượng Hoàng ra đời.
Tuy nhiên, còn có một truyền thuyết khác gắn liền với tên gọi của hang động này nữa. Tương truyền rằng ngày xưa có một cặp chim phượng hoàng chọn ngọn núi này để sinh sống. Chúng ở trong hang sinh được hai quả trứng, chim bố đi tìm thức ăn còn chim mẹ thì phụ trách ở nhà ấp trứng.
Rồi một ngày tai họa ập đến, đôi chim này bị trời trừng phạt. Chim bố đi kiếm ăn trở về thấy vợ mình đã hóa đá. Chim bố đau buồn nhưng vẫn hi vọng vợ mình sẽ sống lại, cứ như thế chờ đợi cho đến khi kiệt quệ mà ra đi theo. Thế nên trong hang núi này mới xuất hiện những khối thạch nhũ hình chim phượng hoàng, chính là minh chứng cho chuyện tình bất hạnh của đôi chim.
Để lên đến hang Phượng Hoàng, du khách cần chuẩn bị tinh thần vượt qua 1.200 bậc thang. Đây là một quãng đường khá mệt, di chuyển mất khoảng 50 phút đến 1 tiếng. Nhưng ngược lại, trên đường đi, bạn sẽ được ngắm nhìn cảnh vật yên bình, đâu đó có tiếng chim hót, côn trùng kêu râm ran. Càng lên cao không khí càng mát mẻ, cây cối rậm rạp hơn.
Cấu trúc độc đáo của hang Phượng Hoàng
Hang Phượng Hoàng được chia thành 4 tầng với cấu trúc độc đáo. Nằm trên đỉnh dãy núi Phượng Hoàng ở độ cao hơn 300m, đây là hang động đẹp với cấu trúc hang trong hang, lối vào các hang là cửa đá chỉ vừa đủ 1 người đi qua, nhưng khi vào trong thì mở ra không gian rộng lớn với những nhũ đá và các khối hóa thạch nhiều hình thù, màu sắc làm cho không gian lung linh, huyền ảo.
Cụ thể, tầng thứ nhất gọi là tầng thượng, mọi người vẫn quen gọi là hang Dơi. Tầng này nằm trên cùng, dễ vào nhất và cũng được nhiều du khách khen ngợi nhất. Ở đây có rất nhiều khối thạch nhũ lạ mắt, ánh đèn chiều vào càng trở nên lung linh, huyền ảo.
Tầng thứ hai là tầng giữa, có tên gọi là hang Sáng. Cấu trúc của tầng giữa khá độc đáo với ba cửa từ các phía cùng nhiều lỗ thông ra bên ngoài. Vì vậy là ánh sáng mặt trời có thể lọt qua, rọi xuống lòng hàng lung linh. Đến đây vào khoảng buổi trưa, những tia nắng chiếu xuống cực huyền ảo để bạn tha hồ chụp ảnh.
Tầng thứ ba cũng là tầng sâu nhất, được gọi là hang Tối. Có tên gọi này là vì ánh sáng mặt trời không thể nào lọt xuống tới đây. Không gian hang Tối khá âm u, tịch mịch nên cũng ít khách tham quan xuống tới. Để đảm bảo an toàn cho du khách, hiện nay hang Tối và các hang đều được lắp hệ thống chiếu sáng nhiều màu sắc làm nổi bật các hình khối. Cuối hang Tối là vách đá cao dựng đứng, lô nhô cột nhũ đá so le như khu vườn nhiều cây cối.
Ở độ sâu khoảng 100m từ đỉnh núi Phượng Hoàng, không khí trong hang luôn mát lạnh, dù ngoài trời có nắng gắt thế nào thì nhiệt độ bên trong hang cũng chỉ ở mức 15°C mà thôi.
Để thuận lợi cho quá trình đi đến hang động, du khách nên mang theo đầy đủ nước khoáng uống dọc đường và đi giày thể thao, chọn trang phục thoải mái phù hợp leo núi và vào tham quan hang.