Khoảnh khắc khiến người phụ nữ từng tự tử thay đổi để trở thành tỷ phú ngành y
Tiến sĩ Trisha Bailey được xác định là người phụ nữ gốc Jamaica giàu nhất với khối tài sản ước tính 1 tỷ USD. Để có được thành quả này, nữ tỷ phú ngành y đã vượt qua rất nhiều thử thách.
Dưới đây là chia sẻ của Tiến sĩ Bailey về hành trình trở thành tỷ phú ngành y trên Insider:
Câu chuyện của tôi không gói gọn trong chiếc hộp nhỏ màu xanh xinh xắn và không thể rút ngắn thành clip 60 giây. Khi tôi quyết định kể câu chuyện của bản thân để giúp đỡ người khác, tôi biết phải nói thật lòng để người đọc có thể hiểu được toàn bộ hành trình của tôi. Tôi hứa sẽ kể lại tất cả.
Tôi lớn lên trong một túp lều nhỏ, được bà ngoại và dì nuôi dưỡng. Hằng ngày, tôi phải đi bộ hàng km tới trường nhưng tôi không cảm thấy thiếu thốn, không bao giờ muốn nhiều hơn những gì mình có và không bao giờ cảm thấy mình đang bỏ lỡ bất cứ điều gì.
Nhưng hạnh phúc chẳng kéo dài được bao lâu. Tôi và em gái đến Connecticut (Mỹ) để đoàn tụ với mẹ và cha dượng. Ở tuổi 13, tôi phải nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. Tôi không có bạn bè và tôi đã bị cha dượng lạm dụng tình dục ở nơi lẽ ra phải an toàn - nhà của chúng tôi. Trong những năm trung học, tôi đã tìm cách trốn khỏi nhà. Tôi tham gia đội điền kinh và thể hiện rất xuất sắc, nhờ đó giành được học bổng toàn phần của Đại học Connecticut.
Tôi gặp rất nhiều trở ngại trong thời gian ở đại học dù mọi chuyện không quá tệ hại.
Sau khi tốt nghiệp, tôi trở thành một trong những nhà môi giới chứng khoán trẻ nhất ở tuổi 22 tại Salomon Smith Barney (nay là Morgan Stanley) và sau đó trở thành giám đốc kinh doanh dược phẩm. Nhìn bề ngoài, mọi thứ dường như đang diễn ra rất tốt đẹp đối với một người gần như không đủ điểm đỗ đại học.
Thực tế, tôi đã trải qua quá nhiều sự ngược đãi của những người mà tôi nghĩ là yêu thương mình và tổn thương tinh thần kìm nén trong nhiều năm khiến tôi có ý định tự tử vào năm 2008. Tôi hôn mê trong 8 ngày.
Nhưng điều xảy ra khi tôi một mình ngồi trên xe lăn ở sân bay đã thực sự thay đổi quỹ đạo cuộc đời tôi.
Tôi nhớ mình đã khóc khi cố gắng nhờ mọi người giúp đỡ trong khi chờ nối chuyến tới Florida. May thay, cuối cùng có một cô gái đã đến giúp tôi. Đó là khoảnh khắc tôi nhận ra rằng người khuyết tật gần như vô hình với thế giới. Trải nghiệm này đã khiến tôi thành lập Công ty Thiết bị & Vật tư Y tế Bailey chỉ với một nhân viên vào năm 2011.
Hơn một thập kỷ sau, tôi hiện là giám đốc điều hành (CEO) của 16 công ty, bao gồm Bailey's Pharmacy, Bailey Scrubs và sở hữu hơn 50 bất động sản trải dài từ Mỹ đến Jamaica. Tôi cũng sở hữu cổ phần của ba đội thể thao chuyên nghiệp - Atlanta Hawks, Charlotte Hornets và Phoenix Suns. Tôi vẫn nhớ ngày biết mình trong "Câu lạc bộ tỷ phú", tôi đang đứng giữa các tủ đồ, nói chuyện điện thoại với luật sư quản lý tài sản.
Trước khi là CEO hay người giàu, tôi đã là một người mẹ. Bây giờ là một bà mẹ 5 con, tôi coi đó là niềm vui lớn nhất của mình bên cạnh việc trở nên tử tế.
Vài năm trước, tôi bắt đầu tham gia liệu pháp EMDR điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần xảy ra do ký ức về những sự kiện đau thương trong quá khứ. Tôi được chữa lành sau khi chịu đựng ngược đãi về thể xác và tinh thần từ những người tôi yêu thương.
Điều tôi biết chắc chắn là tôi sẽ không thay đổi bất cứ điều gì đã xảy ra với mình trong cuộc sống. Chính việc tôi chạy trốn khỏi kẻ quấy rối đã dẫn tôi đến ngay sân điền kinh ở trường trung học. Từ đó, tôi có thể giành được học bổng toàn phần vào đại học và hướng tới thành công kể từ đó.
Những gì tôi học được khi chạy bộ và kinh nghiệm đối mặt với cái chết đã khiến tôi trở thành một nữ doanh nhân quyết liệt với trái tim nhân ái. Tôi thực sự tin rằng làm việc chăm chỉ sẽ đưa bạn đi 50% chặng đường và ân sủng của Chúa sẽ đưa bạn đi 50% chặng đường còn lại.
>> Warren Buffett bán tháo cổ phiếu Apple, lỗ lớn vì hãng phim Paramount