Không nhất thiết dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội

31-05-2023 00:26|NGUYỄN VIỆT

Quy định không nhất thiết phải dành 20% diện tích đất đầu tư xây dựng nhà ở để dành cho xây dựng nhà ở xã hội là hợp lý và cần triển khai tại các địa phương.

Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy (Hà Nam) nhấn mạnh tại phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM, ngày 30/5.

truong-quoc-huy-enternews-1685446597.jpg
Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy (Hà Nam). Ảnh: Nguyễn Việt

Đại biểu Trương Quốc Huy đánh giá, TP. HCM là đô thị đặc biệt với dân số và quy mô là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học công nghệ của vùng.

TP. HCM là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế của cả nước thì cũng cần có nghị quyết sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, để làm sao TP. HCM thực sự phát triển, là đầu tàu, động lực kinh tế của đất nước. “Như vậy, cần có sự tháo gỡ khó khăn cho TP. HCM”, đại biểu Trương Quốc Huy bày tỏ.

Phân tích về quy định thành phố không nhất thiết phải dành 20% diện tích đất đầu tư xây dựng nhà ở để dành cho xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Trương Quốc Huy hoàn toàn thống nhất và mong muốn quy định này cũng được áp dụng tại các địa phương khác.

Nếu các khu quy định một cách máy móc thì rất khó thực thi. Yêu cầu này đang gây khó cho các địa phương. Do đó, vấn đề này cần phải được tháo gỡ không chỉ cho TP. HCM mà đối với tất cả các địa phương khác.

“Có như vậy chúng ta mới phát triển đồng bộ, quy hoạch vùng, khu vực mới “rạch ròi”, không thể có các khu vực quy hoạch dành cho đối tượng này lại đan xen với đối tượng khác, như vậy sẽ gây khó khó khăn cho quy hoạch tổng thể”, đại biểu Trương Quốc Huy bày tỏ.

Ngoài ra, đại biểu Trương Quốc Huy cũng đề nghị sớm có thay đổi về điều kiện đối tượng người được mua nhà ở xã hội. Hiện nay quy định này quá khắt khe và rất khó thực hiện.

Đơn cử, điều kiện để được mua nhà ở xã hội của người lao động phải không có nhà ở địa phương đang làm việc. Đối với tỉnh nhỏ thì không khó, nhưng tỉnh có diện tích lớn đi lại xa xôi nhưng không được mua nhà thì rất khó khăn cho người lao động.

Do đó, đại biểu Trương Quốc Huy đề nghị phải có chế độ mở rộng để cho đối tượng mua nhà làm sao vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật, đúng đối tượng nhưng không quá chặt chẽ như quy định hiện hành.

Về nhà ở công nhân, đại biểu Trương Quốc Huy cho biết hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp FDI, kể cả các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu xây dựng nhà ở cho công nhân.

tran-van-lam-enternews-1685446728.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang). Ảnh: Nguyễn Việt

Doanh nghiệp vào các khu công nghiệp và được thuê đất để làm nhà xưởng, nhưng lại không được thuê đất để xây nhà cho chính công nhân của mình. Doanh nghiệp cũng không được đứng ra thuê nhà cho công nhân mà từng công nhân phải tự đi thuê.

"Như vậy, vấn đề này cần phải được “cởi trói” để những doanh nghiệp có điều kiện xây nhà ở xã hội hoặc tự bỏ ngân sách thuê nhà cho công nhân. Nếu tháo được nút thắt này công nhân sẽ có được chỗ ở tốt, từ đó nâng cao được năng suất lao động, đảm bảo được cuộc sống của họ vì có an cư thì mới lập nghiệp", đại biểu Trương Quốc Huy đề xuất.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho biết một số điểm mới mang tính đột phá.

Thứ nhất, phát triển đô thị theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD).

Thứ hai, cho phép áp dụng mô hình BOT hiện hữu.

Thứ ba, áp dụng mô hình BT nhưng trả bằng tiền mà không phải trả bằng đất.

Thứ tư, về tài chính ngân sách sẽ nới room tín dụng, thành phố sẽ được vay tối đa 120% số tiền ngân sách được hưởng bằng hình thức phát hành trái phiếu.

Thứ năm, thành phố được phép tổ chức đầu tư vào một số công trình ở trung ương, vùng đi qua địa bàn. Thành phố cũng được phép lấy tiền của thành phố đi hỗ trợ các địa phương nước ngoài, tỉnh ngoài.

Thứ sáu, thành phố có Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. HCM (HFIC).

Bỏ qua nhiều cơ hội, quốc gia liên lục địa kiên quyết chọn công nghệ cao Trung Quốc cho siêu dự án đường sắt cao tốc huyết mạch hơn 530km, nối thủ đô với trung tâm kinh tế lớn

Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu cả nước

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/khong-nhat-thiet-danh-20-phan-tram-dien-tich-dat-xay-dung-nha-o-xa-hoi-244882.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Không nhất thiết dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội
    POWERED BY ONECMS & INTECH