Thế giới

Không phải Mỹ, đây mới là cường quốc hạt nhân số 1 thế giới: Kiểm soát 65% thị phần xuất khẩu lò hạt nhân, 44% công suất làm giàu uranium toàn cầu

Nhật Hạ 11/07/2025 10:24

Điện Kremlin thống trị ngành nhiên liệu và công nghệ hạt nhân xuyên biên giới.

Trong cuộc chiến ngắn giữa Israel và Iran, sự chú ý của thế giới đổ dồn vào chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, một cuộc đấu tranh địa chính trị khác đang âm thầm diễn ra – xoay quanh hoạt động thương mại quốc tế về công nghệ hạt nhân và uranium được làm giàu. Dù không bùng nổ như tình hình tại Iran, những lợi ích trong cuộc cạnh tranh này lại rất lớn.

Ngành công nghiệp hạt nhân dân sự có thể chia thành hai thị trường chính: xây dựng nhà máy điện hạt nhân và sản xuất – cung ứng nhiên liệu uranium được làm giàu. Hoạt động xây dựng chủ yếu do các quốc gia sở hữu đội tàu điện hạt nhân nội địa quy mô lớn như Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Hàn Quốc nắm giữ – họ thường tự xây nhà máy cho chính mình.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu lò phản ứng vẫn là mảnh đất màu mỡ chưa được khai phá hết. Trong khi đó, thị trường nhiên liệu còn mất cân đối hơn nữa, khi chỉ một số ít quốc gia có khả năng làm giàu uranium.

Bên nào chiếm lĩnh các thị trường xuất khẩu này không chỉ có được sức mạnh địa chính trị, ảnh hưởng kinh tế và quyền lực mềm, mà còn tác động đến cả việc giám sát phổ biến vũ khí hạt nhân và các tiêu chuẩn an toàn.

Một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của cuộc cạnh tranh này là việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký bốn sắc lệnh hành pháp hồi tháng 5 nhằm tái khẳng định vị thế của Mỹ là “nhà lãnh đạo toàn cầu về năng lượng hạt nhân”, đồng thời đảm bảo nguồn cung uranium được làm giàu cho nước này. Đây là những mục tiêu đầy tham vọng, khi các công ty Mỹ từ lâu đã gặp khó khăn trong việc xây dựng lò phản ứng đúng thời hạn và ngân sách, trong khi cả Mỹ và châu Âu đều phụ thuộc vào uranium được làm giàu nhập khẩu – phần lớn đến từ nước Nga.

hat.jpg
Các lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng, năm 2025, ngoại trừ Nga và Trung Quốc. (Ảnh: The Economist)

Trên lý thuyết, khách hàng mua lò phản ứng hạt nhân có thể chọn công nghệ từ bảy quốc gia chính: Mỹ, Canada, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nga hiện bỏ xa các nước khác về xuất khẩu. Tập đoàn hạt nhân quốc doanh Rosatom kiểm soát khoảng 65% thị phần xuất khẩu lò phản ứng trên toàn cầu – theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (World Nuclear Association).

Không chỉ chiếm ưu thế trong thị trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới, Nga còn dẫn đầu cả thị trường uranium được làm giàu – nhiên liệu dùng để vận hành các nhà máy này. Theo dữ liệu mới nhất, Nga kiểm soát 44% công suất làm giàu uranium toàn cầu. Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu khoảng 25% lượng uranium được làm giàu từ Nga, phần lớn cung cấp cho năm quốc gia có lò phản ứng do Nga thiết kế: Bulgaria, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Hungary và Slovakia. Năm 2023, Mỹ cũng mua khoảng 1/4 lượng uranium được làm giàu từ Nga.

hat-2.jpg
Công suất làm giàu uranium toàn cầu, theo công ty, năm 2022, %. *Anh, Đức, Hà Lan và bao gồm các hoạt động tại Mỹ. (Ảnh: The Economist)

Doanh thu từ việc xuất khẩu uranium được làm giàu và lò phản ứng của Nga vẫn thấp hơn nhiều so với dầu khí, nhưng nhiên liệu hạt nhân không dễ thay thế như dầu mỏ. Dựa trên dữ liệu thương mại của Ngân hàng Thế giới, The Economist ước tính năm 2023 Nga thu về khoảng 2,7 tỷ USD từ xuất khẩu uranium được làm giàu (chủ yếu sang Mỹ và EU), cùng với 1,1 tỷ USD từ xuất khẩu lò phản ứng và linh kiện như bộ lắp nhiên liệu.

Riêng Rosatom báo cáo tổng doanh thu hoạt động ở nước ngoài đạt hơn 16 tỷ USD trong năm 2023, trong đó hơn 7 tỷ USD đến từ việc xây dựng nhà máy điện mới – phần lớn được tài trợ bằng các khoản vay do nhà nước Nga hậu thuẫn. Con số này đã tăng đáng kể kể từ sau khi Nga đưa quân tới Ukraine, từ mức gần 9 tỷ USD năm 2021.

Có lẽ quan trọng hơn tiền bạc là đòn bẩy ngoại giao mà Nga có được từ sự phụ thuộc của các quốc gia vào nguồn nhiên liệu và công nghệ hạt nhân của họ. Vào tháng 5, Ủy ban châu Âu cam kết sẽ công bố kế hoạch đánh thuế hoặc áp phí đối với uranium được làm giàu từ Nga nhằm từng bước loại bỏ sự phụ thuộc này (đồng thời với lộ trình chấm dứt nhập khẩu khí đốt Nga trước năm 2027). Tuy nhiên, kế hoạch đã bị trì hoãn do vận động hành lang từ Slovakia và Hungary – hai nước sử dụng lò phản ứng do Nga thiết kế và lo ngại giá cả sẽ tăng. Nhiều người tin rằng Hungary bị ràng buộc bởi hợp đồng đã ký với Rosatom năm 2014 (không qua đấu thầu) để xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân.

Trò chơi quyền lực

Tương tự, một thỏa thuận ký năm 2010 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Rosatom để xây dựng – vận hành bốn lò phản ứng tại nước này đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai bên. Theo Jane Nakano (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế – CSIS, Mỹ), thỏa thuận đó có thể góp phần khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Thương vụ vũ khí này đã khiến quan hệ với NATO rạn nứt: Mỹ hủy việc bán tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ (dù ông Trump có thể sớm thay đổi) và loại nước này khỏi chương trình hợp tác sản xuất F-35. Dự án hạt nhân thì lại vấp phải nhiều trì hoãn và khó khăn tài chính, một phần do lệnh trừng phạt tài chính đối với Nga. Tuần này, Rosatom cho biết đang đàm phán để bán 49% cổ phần trong dự án trị giá 25 tỷ USD.

Tại Bangladesh, Rosatom đang xây dựng hai lò phản ứng, sẽ bổ sung khoảng 10% công suất phát điện cho nước này. Điều đó đưa Bangladesh vào nhóm các quốc gia có mức độ phụ thuộc “cao” vào các nhà máy điện hạt nhân do Nga xây hoặc vận hành – như Belarus, Hungary và Slovakia, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Kacper Szulecki và Indra Overland (Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy – NUPI). Họ cho rằng sự phụ thuộc này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung, phá hoại và các hành vi can thiệp xấu khác.

Mối lo đó có vẻ hợp lý, ít nhất trong ngắn hạn. Nga từng sử dụng năng lượng như một vũ khí – điển hình là việc cắt nguồn cung khí đốt. Tuy nhiên, khả năng sử dụng uranium như một công cụ cưỡng ép bị hạn chế hơn nhiều. Kể từ năm 2022, nhiều khách hàng châu Âu của Rosatom đã ký hợp đồng với nhà cung cấp thay thế hoặc tích trữ nhiên liệu đủ dùng trong vài năm. Việc cắt nguồn cung cũng sẽ gây thiệt hại lớn cho Nga, vì sẽ khiến các khách hàng tiềm năng khác lo sợ – có thể là lý do Nga chưa dừng cung cấp uranium cho châu Âu. (Năm ngoái, Nga chỉ hạn chế xuất khẩu sang Mỹ để đáp trả lệnh cấm nhập khẩu của nước này.)

Rosatom thành công một phần nhờ vào mô hình "trọn gói" hấp dẫn – theo lời George Borovas, một luật sư chuyên tư vấn chính phủ về chương trình hạt nhân. “Họ nói: ‘Chúng tôi sẽ cung cấp cho các anh mọi thứ’” – bao gồm nhiên liệu và đào tạo kỹ sư địa phương. Sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ nhà nước cho phép Rosatom gánh các rủi ro tài chính và bảo hiểm lớn trong dự án hạt nhân. Nga hiện được cho là tài trợ khoảng 90% trong tổng số 12,6 tỷ USD chi phí xây dựng loạt lò phản ứng đầu tiên tại Bangladesh.

Các dự án như vậy còn tạo ra “mối quan hệ dài hạn” giúp Nga thiết lập chỗ đứng tại Nam Á – theo Ali Riaz, nhà khoa học chính trị tại Đại học Bang Illinois. Việc xây dựng, vận hành và tháo dỡ một lò phản ứng có thể kéo dài tới 80 năm – khiến các khách hàng bị ràng buộc bởi các thỏa thuận bảo trì, linh kiện thay thế, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật trong nhiều thập kỷ. Các chính trị gia Bangladesh, ngay cả khi muốn, cũng khó rút khỏi hợp đồng vì còn bị ràng buộc về mặt tài chính.

Phá bỏ xiềng xích

Các Chính phủ phương Tây đang áp dụng chiến lược hai hướng để làm suy yếu ảnh hưởng hạt nhân của Nga. Thứ nhất là giảm phụ thuộc vào uranium được làm giàu, bộ lắp nhiên liệu và các dịch vụ liên quan của Rosatom. Thứ hai là tăng cường cạnh tranh với Nga trong việc xuất khẩu lò phản ứng. Năm 2023, Mỹ, Anh, Canada, Pháp và Nhật Bản đã thành lập nhóm “Sapporo Five” nhằm hợp tác đầu tư ít nhất 4,2 tỷ USD vào công nghệ làm giàu uranium mới.

hat-3.jpg
(Ảnh: The Economist)

Đã có một số tín hiệu tích cực: năm ngoái, mức phụ thuộc của châu Âu vào uranium được làm giàu từ Nga đã giảm mạnh – từ 38% năm trước xuống còn 24%. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục giảm, dù nhu cầu từ các nước phương Tây (bao gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc) có thể vẫn vượt quá nguồn cung thân thiện, ngay cả khi công suất mới được đưa vào vận hành.

Các nước EU có lò phản ứng của Nga cũng đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Rosatom. Công ty Westinghouse của Mỹ đã phát triển các bộ lắp nhiên liệu phù hợp với lò VVER của Nga và đã ký thỏa thuận cung cấp cho Bulgaria, Séc và Ukraine.

Chính phủ phương Tây cũng muốn thách thức Rosatom trong mảng xuất khẩu lò phản ứng – nhưng điều này không dễ. Trước tiên, các công ty phương Tây phải chứng minh được khả năng xây dựng đúng tiến độ và ngân sách tại chính quốc gia của mình.

EDF – công ty điện lực nhà nước Pháp – đã liên tục trễ tiến độ và vượt chi phí trong ba dự án hạt nhân gần đây tại Anh, Pháp và Phần Lan. Kể từ năm 2017, Mỹ mới chỉ xây dựng được một nhà máy điện hạt nhân. Dự án này được cho là tiêu tốn khoảng 35 tỷ USD, gấp đôi so với dự toán ban đầu, và hoàn thành muộn 7 năm. Nguyên nhân một phần là do kỹ năng xây dựng trong lĩnh vực này đã bị mai một. Ngoài ra, quy định nghiêm ngặt và quy trình cấp phép phức tạp cũng làm chậm tiến độ triển khai tại phương Tây.

Cấm bom

Trong nhiều thập kỷ sau Thế chiến II – khi Mỹ dẫn đầu về điện hạt nhân dân sự – nước này đã đặt ra tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao mức an toàn, chẳng hạn qua việc thúc đẩy thành lập Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Năm 1978, Mỹ yêu cầu các quốc gia phải ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mới được tiếp cận công nghệ hạt nhân. Nga thì có lịch sử không nhất quán về vấn đề không phổ biến: kể từ năm 2022, Nga “ngày càng trở nên phản tác dụng và thậm chí gây cản trở” – theo Darya Dolzikova thuộc Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI).

Một số người cho rằng có một tia hy vọng khi đang nổi lên một đối thủ tiềm năng có thể cạnh tranh với Nga. Không giống hầu hết các công ty hạt nhân phương Tây, đối thủ này có lực lượng lao động dày dạn kinh nghiệm, danh mục dự án vững chắc, từng xây dựng lò phản ứng chỉ trong vòng sáu năm và có khả năng tài trợ bằng nguồn vốn nhà nước. Đó chính là Trung Quốc.

Cho đến nay, phần lớn chỉ có phương Tây lo lắng về chiến lược ngoại giao hạt nhân mạnh tay của ông Putin. Nhưng viễn cảnh thị trường hạt nhân quốc tế bị thống trị không chỉ bởi một mà là hai quốc gia đều đối đầu với phương Tây, hẳn sẽ khiến cả thế giới phải cảnh giác về những mâu thuẫn.

Theo The Economist

>> Tập đoàn Nga rao bán 49% cổ phần tại siêu dự án điện hạt nhân 25 tỷ USD, tích cực đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam

Iran thừa nhận các cơ sở hạt nhân bị hư hại nặng vì Israel tấn công

Mỹ bất ngờ 'bật đèn xanh' cho dự án điện hạt nhân của Nga, nới lỏng trừng phạt: Ông Trump toan tính gì?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/khong-phai-my-day-moi-la-cuong-quoc-hat-nhan-so-1-the-gioi-kiem-soat-65-thi-phan-xuat-khau-lo-hat-nhan-44-cong-suat-lam-giau-uranium-toan-cau-146340.html
Bài liên quan
  • Mỹ nghe lén đánh giá của các quan chức Iran về vụ ném bom 3 cơ sở hạt nhân
    Mỹ nghe lén được liên lạc giữa các quan chức cấp cao của Iran nói về cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào chương trình hạt nhân của Iran vừa qua, trong đó các quan chức Iran nhận xét rằng cuộc tấn công không tàn khốc như họ dự đoán, Washington Post dẫn lời 4 người nắm được thông tin tình báo mật trong Chính phủ Mỹ cho biết.
  • Cuộc đua hạt nhân bùng nổ: Trung Quốc âm thầm tiến vào cửa ngõ châu Âu, thay thế vai trò của Nga
    Tại cửa ngõ châu Âu, Trung Quốc và Nga đang âm thầm cạnh tranh ảnh hưởng trong lĩnh vực hạt nhân. Một dự án mới vừa hé lộ vai trò ngày càng lớn của Bắc Kinh, trong khi Moscow dần đánh mất thế độc quyền.
  • Meta ký thỏa thuận 20 năm, dấn thân vào lĩnh vực điện hạt nhân
    Meta vừa ký một thỏa thuận kéo dài 20 năm để mua điện hạt nhân từ Constellation Energy, tiếp tục xu hướng các tập đoàn công nghệ lớn hợp tác với ngành năng lượng hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của các trung tâm dữ liệu.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Không phải Mỹ, đây mới là cường quốc hạt nhân số 1 thế giới: Kiểm soát 65% thị phần xuất khẩu lò hạt nhân, 44% công suất làm giàu uranium toàn cầu
    POWERED BY ONECMS & INTECH