Không phải Phú Thọ, ở tỉnh đại ngàn còn có một ngôi đền thờ mô phỏng đền Hùng gần 100 tuổi nhưng hiếm ai biết đến

18-04-2024 09:59|Linh Chi

Ngôi đền nhỏ, đơn sơ nhưng có ý nghĩa to lớn với người dân bởi đây là nơi thờ phụng các Vua Hùng, thờ cúng các bậc tiền nhân, các liệt sĩ, những người hy sinh mở cõi, giữ nước, anh hùng giải phóng dân tộc, các vị tiền hiền hy sinh vì dân tộc.

Ngôi đền giữa Tây Nguyên đại ngàn

Từ trước đến nay, người ta vẫn thường nhắc đến Đền Hùng ở Phú Thọ và ít ai biết rằng ở vùng đất Tây Nguyên đại ngàn cũng có quần thể di tích đền thờ Âu Lạc được mô phỏng Đền Hùng ở Lâm Đồng. Giữa lòng Đà Lạt thơ mộng, Đền thờ Âu Lạc đơn sơ, trầm mặc được cư dân nghèo dựng lên từ những năm 30 của thế kỷ XX. Thời điểm đó, những con người từ khắp mọi miền đất nước đến dây khai hoang lập nghiệp. Đền thờ Âu Lạc hay còn gọi là Đền Quốc Tổ là nơi gắn kết cộng đồng, là điểm tựa văn hóa, tâm linh, làm ấm lòng những người con xa xứ. Gần 100 năm qua, đây trở thành nơi quen thuộc của những người con luôn hướng về quê hương, đất nước.

Vẻ đẹp hùng vĩ của đền thờ Âu lạc nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: Nam A Bank

Vẻ đẹp hùng vĩ của đền thờ Âu lạc nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: Nam A Bank

Đền thờ Âu Lạc tại khu du lịch thác Prenn tọa lạc trên vùng đất địa linh của núi Phượng Hoàng, là nơi thờ kính các Vua Hùng, mang dáng vẻ uy nghi, bề thế. Ban đầu, ngôi đền chỉ là một nhà gỗ nhỏ, sau năm 1975 mới được xây dựng lại khang trang theo kiến trúc đền thờ truyền thống. Bình phong có hoa văn nằm ngay trên đường. Cổng vào đền xây hình vòm với dòng chữ “Đền thờ Quốc Tổ”.

Ngôi đền 3 gian có cửa chính 4 cánh, 2 ô cửa tròn hai bên, mái lợp ngói, chính giữa có bông hoa sen che lấy bệ thờ lộ thiên trên cao. Nhìn từ đường vào, có thể thấy bản đồ Việt Nam, cờ Tổ Quốc được đắp nổi và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở đời sau bảo vệ gìn giữ giang sơn gấm vóc: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

4 cột trước thềm là 4 dòng chữ: “Quốc Tổ Hùng Vương nhân nghĩa hào hùng xã tắc quốc tôn hùng khí”/“Nước có nguồn cây có cội người có tổ tiên, đất nước có Vua Hùng khởi dựng”/“Gia tiên Lạc Việt trí tâm lỗi lạc, giang sơn gia bảo Lạc Hồng”/“Nhân còn nghĩa, trí còn tình, sống còn công lý, non sông còn dân chúng”.

Bàn thờ Tổ ở chính điện được sắp đặt uy nghiêm với dòng chữ “Việt Nam Quốc Tổ” phía trên phù điêu bản đồ Việt Nam lồng trong trống đồng Đông Sơn gắn trên tường.

Buổi lễ được diễn ra tại đền thờ Âu Lạc. Ảnh: Nam A Bank

Buổi lễ được diễn ra tại đền thờ Âu Lạc. Ảnh: Nam A Bank

Ngôi đền nhỏ, đơn sơ nhưng có ý nghĩa to lớn với người dân bởi đây là nơi thờ phụng các Vua Hùng, thờ cúng các bậc tiền nhân, các liệt sĩ, những người hy sinh mở cõi, giữ nước, anh hùng giải phóng dân tộc, các vị tiền hiền hy sinh vì dân tộc.

Giỗ Tổ 10/3

Nếu như ở Đền Hùng Phú Thọ vẫn tổ chức ngày giỗ Tổ long trọng vào ngày 10/3 âm lịch thì tại Đền thờ Âu Lạc ở Lâm Đồng, bà con cũng tổ chức ngày Giỗ Quốc Tổ 10/3 âm lịch hàng năm với phần lễ và phần hội.

Trước nghi lễ chính là là các cuộc thi trang trí mâm cúng, lễ vật, sản vật, lễ cáo yết, đám rước lễ vật, tế lễ, dâng hương tại Đền Thượng, Đền Trung và Đền Hạ. Từ chiều hôm trước các mẹ, các dì đã làm bánh chưng, bánh giầy, bày hoa, trái để làm lễ vật. Sau lễ tế, mọi người đều thành kính dâng hương cầu mong cho cuộc sống ấm no hạnh phúc, quốc thái dân an.

Các tiết mục múa dân gian, truyền thống tại lễ hội. Ảnh: Nam A Bank

Các tiết mục múa dân gian, truyền thống tại lễ hội. Ảnh: Nam A Bank

Phần hội gồm các hoạt động như như cờ tướng, múa sạp, trò chơi dân gian, hát Quan họ, Đờn ca tài tử, không gian thư pháp, triển lãm tranh dân gian, phiên chợ quê... Đặc biệt năm nay, Ban tổ chức sẽ dâng lên vua Hùng “Quốc Ẩm Việt Trà”, với loại trà được làm để cúng Quốc Tổ. Nguyên liệu trà được tuyển lựa kỹ lưỡng từ những lá trà ngon nhất vụ xuân tại vùng trà King Lộ nổi tiếng thuộc Lâm Đồng.

Ngoài ngày Giỗ Quốc Tổ 10/3 âm lịch, Đền Hùng Lâm Đồng còn có những ngày lễ lớn như Lễ tế Thu cầu an (16/7 âm lịch) và Lễ Tất niên (20 tháng Chạp). Kinh phí để tổ chức các ngày lễ đều do bà con tùy tâm đóng góp. Sau khi chi cúng 3 dịp lễ lớn, kinh phí còn dư sẽ dùng vào việc lo hương khói quanh năm.

Nguồn: Báo Nhân Dân, Báo Lâm Đồng, VTC News

>>Phương án để Đền Hùng không quá tải khi đón 500.000 người trong ngày chính hội

Ngôi đền cổ duy nhất Việt Nam thờ Ngọc Hoàng Thượng đế

Ngôi đền thiêng 600 năm tuổi toạ lạc trên núi, thờ 'nàng tóc thơm' đảm trách việc lương thảo nuôi quân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Ngôi đền thiêng nằm trên miệng núi lửa cao ngút trời mây, được ví như một tòa ‘lâu đài’ nguy nga hiếm có khó tìm

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/khong-phai-phu-tho-o-tinh-dai-ngan-con-co-mot-ngoi-den-tho-mo-phong-den-hung-gan-100-tuoi-nhung-hiem-ai-biet-den-d120694.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Không phải Phú Thọ, ở tỉnh đại ngàn còn có một ngôi đền thờ mô phỏng đền Hùng gần 100 tuổi nhưng hiếm ai biết đến
POWERED BY ONECMS & INTECH