Khu công nghiệp VSIP gần 4.000 tỷ đồng thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam có chuyển động mới
Hiện nay, địa phương đã giải phóng mặt bằng cho 374,75ha trên tổng số 500ha của dự án và đã chi trả tiền bồi thường cho 345,35ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - ông Bùi Thanh An vừa có thông báo giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan để sớm triển khai dự án Khu công nghiệp VSIP trên địa bàn.
Theo đó, UBND huyện Diễn Châu được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục bồi thường và giải phóng mặt bằng cho các phần diện tích còn lại, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/10/2024. Riêng 45 hộ dân tại xã Diễn Thọ chưa thực hiện đăng ký kiểm kê, việc này phải được hoàn tất trước ngày 20/9/2024.
Đối với Công ty TNHH Thủy Lợi Bắc, đơn vị bị ảnh hưởng bởi dự án, tỉnh Nghệ An yêu cầu nhanh chóng tiến hành các thủ tục thanh lý và tháo dỡ tài sản trên tuyến kênh thủy lợi bị tác động, hoàn thành trước ngày 15/10/2024.
Về phần đất của nhà máy gạch Tuynel, UBND huyện Diễn Châu cùng Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thu hồi diện tích đất cho thuê khai thác khoáng sản, hoàn tất thủ tục trước ngày 30/9/2024. Toàn bộ mặt bằng nhà máy cũng phải được bàn giao trước ngày 25/9/2024.
>> Bộ Xây dựng chỉ ra 9 giải pháp ổn định thị trường và giảm giá nhà
Liên quan đến dự án Hệ thống thoát nước Khu công nghiệp VSIP - Thọ Lộc, UBND huyện Diễn Châu cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam trước ngày 31/10/2024.
Đối với các mỏ đất san lấp tại xã Diễn Lợi, các cơ quan chức năng phải hoàn tất việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, trình thẩm định, phê duyệt đúng quy định và phát hành hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản trước ngày 30/9/2024.
Thông báo cũng nhấn mạnh, Công ty TNHH VSIP Nghệ An cần nhanh chóng hoàn tất thủ tục pháp lý, triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng và đưa dự án vào hoạt động kinh doanh theo đúng quy định pháp luật.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Thọ Lộc do Công ty TNHH VSIP Nghệ An làm chủ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương vào tháng 2/2023. Với tổng diện tích 50ha, dự án được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 là 300,2ha và giai đoạn 2 là 199,8ha với tổng mức đầu tư hơn 3.826 tỷ đồng.
Hiện tại, tỉnh Nghệ An đã giải phóng mặt bằng cho 374,75ha trên tổng số 500ha của dự án và đã chi trả tiền bồi thường cho 345,35ha.
Hồ sơ thiết kế, nghiên cứu khả thi đã được Bộ Xây dựng thẩm định, hệ thống PCCC đã được Cục PCCC-CHCN cấp giấy chứng nhận, và Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cũng đã cấp giấy phép xây dựng đợt 1.
Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, có đường biên giới giáp Lào và phía Đông giáp Biển Đông.
Với diện tích lớn nhất cả nước, đạt 16.490,25km2, chiếm 3,2% diện tích cả nước, tỉnh Nghệ An đang hướng đến việc phát triển mạnh mẽ và bền vững, tạo tiền đề cho các bước tiến xa hơn trong tương lai.
>> Hàng loạt cán bộ vi phạm liên quan đến cây cầu từng giữ kỷ rộng nhất Việt Nam trong 5 năm