‘Khu vườn khép kín’ của Apple đã bị xuyên thủng

26-01-2024 13:07|Du Lam

Ngày 25/1, Apple thông báo kế hoạch mở cửa App Store cho đối thủ cạnh tranh tại châu Âu, xuyên thủng ‘khu vườn khép kín’ nổi tiếng của chính mình.

Quyết định mở cửa App Store của Apple không tự nguyện mà nhằm tuân thủ quy định mới của châu Âu – Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), buộc các hãng công nghệ lớn phải mở cửa các nền tảng của mình vào tháng 3 năm nay.

Điều này có thể đe dọa đến mảng kinh doanh App Store béo bở, đặc biệt nếu các nhà phát triển như Spotify, Microsoft tận dụng quy định mới để thoát khỏi mức phí mua sắm trong ứng dụng 30% của Apple và phát hành chợ ứng dụng riêng dành cho iPhone.

Tuy nhiên, Apple đã đề phòng bằng cách công bố cấu trúc nộp phí mới tại châu Âu, bao gồm phí hằng năm cho mỗi lần cài đặt các ứng dụng phổ biến không qua App Store. Như vậy, nhiều nhà phát triển cuối cùng cũng phải trả số tiền tương đương cho “táo khuyết”.

Nhà sản xuất iPhone tin rằng quy định mới của châu Âu đặt người dùng vào rủi ro lừa đảo, lạm dụng vì các ứng dụng không đi qua App Store sẽ không được đánh giá nội dung và có thể chứa mã độc. Hãng cũng cảnh báo một số ứng dụng trình duyệt mới không sử dụng “engine” của Apple, ảnh hưởng đến thời lượng pin thiết bị.

bj8f6iff.png
Apple nổi tiếng với hệ sinh thái khép kín, tương tự một khu vườn không có lối vào. (Ảnh: Slate)

Các nhà phát triển ứng dụng nói chung có thể ăn mừng trước thông tin mới vì những năm qua, họ đã tranh luận về mức phí của Apple và chương trình đánh giá ứng dụng nghiêm ngặt thường xuyên từ chối các bản cập nhật ứng dụng. Trong khi nhà quản lý khắp thế giới đang tìm cách buộc Apple mở cửa nền tảng, thay đổi hôm 25/1 là quyết liệt nhất từ trước đến nay và phần nào cho thấy những gì có thể xảy ra nếu Mỹ áp dụng quy định tương tự.

Thay đổi chỉ hạn chế ở châu Âu và các tài khoản đăng ký tại khu vực này thay vì trên toàn cầu. Nó sẽ hiện thực hóa vào tháng 3 trong bản cập nhật iOS mới.

Chi tiết thay đổi với App Store

Apple cho biết sẽ cho phép các công ty khác cung cấp chợ ứng dụng cho iPhone tại châu Âu nhưng phải được Apple ủy quyền. “Táo khuyết” sẽ biết công ty nào đang điều hành chợ nào và hoàn toàn có quyền tước giấy phép nếu chúng chứa đầy ứng dụng lừa đảo hoặc mã độc.

Với người dùng, điều này đồng nghĩa các ứng dụng cài đặt từ chợ ngoài App Store sẽ hiển thị trong cài đặt, kèm thông tin về nơi tải và ngày tải. Khi nhà phát triển đăng một ứng dụng tại châu Âu, họ được chọn tải lên chợ nào. Apple sẽ “công chứng” các ứng dụng, quét để tìm mã độc hoặc các sự cố lập trình.

Với các hãng như Spofity hay Microsoft – vốn đã bày tỏ quan tâm đến việc phân phối ứng dụng bên ngoài App Store tại châu Âu, quy định mới không mâu thuẫn với kế hoạch của họ nhưng Apple đã dựng rào cản để việc này khó thực hiện hơn.

Apple cũng cho phép nhà phát triển ứng dụng thu tiền trực tiếp từ người dùng. Trước đây, người dùng chỉ có thể mua vật phẩm ảo như tiền xu trong game thông qua hệ thống hóa đơn của Apple và thường mất phí 15% đến 30%. Song, từ nay, nhà phát triển được phép đưa số thẻ tín dụng vào trong ứng dụng hoặc chọn liên kết đến website của mình để người dùng thanh toán.

Dù vậy, Apple vẫn có cách thu phí và hoa hồng từ ứng dụng ngay cả khi chúng có hệ thống thanh toán riêng hay phân phối qua chợ bên ngoài. Nếu nhà phát triển chọn một trong các hệ thống bên ngoài, Apple sẽ tự động giảm phí hoa hồng tại châu Âu nhưng cộng thêm phí cài đặt đối với các ứng dụng phổ biến.

Cụ thể, công ty sẽ thu 0,5 EUR cho lần cài đặt đầu tiên của các ứng dụng có trên 1 triệu người dùng để trang trải chi phí phát triển phần mềm và phân phối ứng dụng của Apple. Phí công nghệ lõi được áp dụng nếu ứng dụng tải qua chợ bên thứ ba hoặc App Store.

DMA mất nhiều năm để hoàn thiện. Spotify nằm trong số các công ty vận động mạnh mẽ cho đạo luật. Một số mảng khác của Apple có thể bị giám sát khi Ủy ban châu Âu tiếp tục xem xét các hành vi kinh doanh của hãng, đặc biệt liên quan đến khả năng liên thông giữa iMessage và các đối thủ. Apple cũng đã thực hiện thay đổi đối với ví điện tử và công nghệ trình duyệt web.

CEO Epic Games Tim Sweeney chỉ trích kế hoạch mới của Apple là “trường hợp tuân thủ độc hại”, lập luận rằng các điều khoản kinh doanh mới mang đến những khoản phí “rác”. Epic Games kiện Apple độc quyền tại Mỹ vào năm 2020 và thua kiện.

(Theo CNBC)

Lộ diện thiết kế của iPhone 17 Pro Max: mỏng hơn với cụm camera mới

Thỏa thuận ‘độc quyền’ Google và Apple gần chấm dứt: Apple mất 20 tỷ USD/năm, liệu Microsoft có thay thế?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/khu-vuon-khep-kin-cua-apple-da-bi-xuyen-thung-2243984.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Khu vườn khép kín’ của Apple đã bị xuyên thủng
    POWERED BY ONECMS & INTECH