Kiếm tiền trên sự hoảng loạn của đám đông: Nhìn lại bài học từ cách gia tộc Rothschild làm giàu

02-10-2022 11:39|

Nhiều người siêu giàu thường chờ đợi sự hoảng loạn phi lý của đám đông để giàu hơn nữa.

Những người tham gia trên thị trường tài chính đa phần đều đã đọc một cuốn sách kinh điển: “Chiến Tranh Tiền Tệ”. Đọc cuốn sách này, giới đầu tư chắc chắn sẽ không quên được trận chiến Waterloo và câu chuyện gia tộc Nathan Rothschild trở thành chủ nợ nước Anh. Cách thức gia tộc Rothschild nắm giữ trong tay khối tài sản gấp 20 lần những gì Napoleon và Wellington có được từ mấy mươi năm chiến tranh đến từ một nghệ thuật: Kiếm tiền trên sự hoảng loạn của đám đông!

Trận Waterloo nổi tiếng

Ngày 18/06/1815, trận chiến Waterloo diễn ra tại Brussels - Bỉ. Thị trường tài chính London bước vào trạng thái của một "canh bạc lớn": “kẻ thắng sẽ giàu có vô biên, còn kẻ thua sẽ trắng tay”.

Nếu nước Anh thắng, trái phiếu chính phủ Anh sẽ tăng giá ngút trời và ngược lại sẽ không khác tờ giấy lộn. Thắng bại giữa Napoleon và Wellington ngã ngũ từ chiều tối. Ngay trong đêm, người đưa tin của Nathan đã vượt biển mang tin tức về xứ sở sương mù.

Rạng sáng ngày 19/06/1815, Nathan đã có trong tay tin tức cần có, lập tức đi về Sở Giao dịch Chứng khoán London. Chỉ bằng hiệu lệnh ánh mắt, tất cả các nhà đầu tư của gia tộc Rothschild lập tức bán đổ bán tháo công trái nước Anh.

“Nước Anh đã bại trận!”. Một cơn hoảng loạn bán tháo trên diện rộng diễn ra ngay sau đó. Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, những kẻ đua nhau bán tháo đã giẫm đạp lên nhau, bán bằng mọi giá. Công trái nước Anh chỉ còn 5% mệnh giá.

Và thành viên của gia tộc Rothschild thì vẫn lặng lẽ theo dõi thị trường. Lúc này, bằng một hiệu lệnh khác – không nhiều hơn một ánh nhìn – các nhà đầu tư của Rothschild lập tức ập đến các quầy giao dịch, thu mua toàn bộ số công trái Anh đang vun thành đống trong Sở Giao dịch…

Ngày 21/06/1815, người đưa tin của Công tước Wellington về đến London. Napoleon thảm bại. Nước Anh đã thắng trận. Nhưng, lại thành con nợ của gia tộc Rothschild. Không ít những người bán tháo công trái Anh trở nên điên dại khi đã đua theo đám đông, bán đi những tờ công trái với giá rẻ mạt. 

Thị trường chứng khoán mọi nơi vẫn liên tiếp lặp lại sai lầm kinh điển trong cuốn sách kinh điển

Quay trở lại với câu chuyện gia tộc giàu có Rothschild, ai cũng nhìn ra 2 điểm mấu chốt đó là hành động bán công trái nước Anh khi "tin tức chưa lan ra trên diện rộng". Điều này đã tạo ra vị thế bán ở mức giá cao cho gia tộc Rothschild đồng thời tạo hiệu ứng tâm lý lên đám đông. Đám đông cho rằng, hẳn phải có tin "xấu lắm" thì gia tộc Rothschild mới bán ra công trái. Và thế là, họ đổ xô đem bán dù bản thân không nắm rõ thông tin. Khi tất cả cùng đua nhau bán, giá công trái sụt giảm sâu và đây là lúc gia tộc Rothschild làm giàu!

Dù bài học kinh điển kể trên đã là câu chuyện kinh điển nhưng, thị trường tài chính vẫn luôn lặp lại theo cách cũ. Quay lại nhiều năm về trước, vụ khủng hoảng 11/9 của Mỹ khiến DowJones giảm 14,2%; S&P 500 giảm 11,6%; NASDAQ giảm 11,6%. Khi rủi ro chính trị xảy ra, một cơn hoảng loạn mang tính hệ thống sẽ xảy ra và mọi phân tích hay quản lý tâm lý đầu tư trở nên vô nghĩa. Hiệu ứng domino sẽ xảy ra kéo theo hành động của đám đông và đám đông hoảng loạn chính là lúc mọi tài sản bị định giá sai.

Nhìn lại phiên bán tháo -25 điểm rồi hồi phục tăng 9 điểm của VnIndex tuần trước: Đám đông đã hoảng loạn phi lý? 

Ngày 29/9, Việt Nam công bố số liệu GDP cả nước với mức tăng vọt. Thông tin này, xét về mọi mặt đều là tin tốt. Ngay lúc đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng phản ứng tăng hơn 9 điểm đối với chỉ số VnIndex. Nhưng, khi thị trường chứng khoán tăng cao cũng có nghĩa là, cổ phiếu bớt rẻ và những người muốn mua cổ phiếu giá rẻ bớt mặn mà. Lực mua không có và lúc này, có vẻ như "anh cả" thị trường đang muốn một sự xáo động lớn.

Trong quá khứ từng có lần GDP tăng cao và bối cảnh vĩ mô tốt nhưng thị trường chứng khoán giảm sâu. Vì thế, có vẻ như, thị trường đầu phiên giao dịch buổi chiều hôm 29/9 xảy ra hiện tượng bán mạnh.

Đám đông-những người từng trải qua cú sốc thị trường chứng khoán năm 2007-2008-đã ngay lập tức hoảng loạn. Đà bán tháo xảy ra tiếp đó khiến VnIndex giảm gần 18 điểm cuối phiên.

Phiên 30/9, sự hoảng loạn vẫn âm ỉ toàn thị trường bởi lẽ, không có thông tin nào đáng kể mà người ta bán, vậy "thảm cảnh" 2007 liệu có xảy ra? Và vì không chắc chắn, lực bán đầu phiên 30/9 đã nhấn chìm VnIndex về dưới 1.100 điểm. Mọi chỉ báo phân tích kỹ thuật trở nên xấu. Đám đông quay cuồng, hoảng loạn, sợ hãi và bán ra khiến VnIndex -25 điểm.

Khi sự hoảng loạn đã tới hạn, dòng tiền lớn chờ mua ngay lập tức xuất hiện. VnIndex từ -25 điểm đã hồi phục mạnh mẽ lên +9 điểm và kết thúc tháng 9 tăng 6 điểm! Người hoảng loạn bán hớ đã thua đau!

Và có lẽ, “Rothschild” nào đó đã  lặng lẽ theo dõi cơn hoảng loạn. Lặng lẽ mua vào…

Kinh nghiệm bắt đáy cổ phiếu của những người thành công

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kiem-tien-tren-su-hoang-loan-cua-dam-dong-nhin-lai-bai-hoc-tu-cach-gia-toc-rothschild-lam-giau-151495.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Kiếm tiền trên sự hoảng loạn của đám đông: Nhìn lại bài học từ cách gia tộc Rothschild làm giàu
POWERED BY ONECMS & INTECH