Vĩ mô

Kinh tế đã phục hồi nhưng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn

Khúc Văn 12/09/2024 22:07

Dù số doanh nghiệp mới thành lập đã được cải thiện nhưng theo đánh giá, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, từ đầu năm đến nay, có gần 111.000 doanh nghiệp thành lập mới. Nếu cộng cả số quay trở lại thị trường sau một thời gian tạm ngừng với rất nhiều lý do, thì 8 tháng đầu năm nay có trên 168.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận về con số này, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng là những con số rất ấn tượng, rất đáng mừng, kể cả về số lượng lẫn tốc độ tăng trưởng.

ngành dệt may Việt Nam đang có những bước tiến tích cực nhờ sự hỗ trợ từ các thị trường xuất khẩu truyền thống và tiềm năng mới. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, và tìm kiếm cơ hộ
Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Nhưng trong cùng thời gian, có tới 135.300 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Như vậy, trừ đi số này, thì chỉ thêm được 32.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong 8 tháng đầu năm, mỗi tháng chỉ tăng khoảng 4.100 cơ sở.

Trước Covid-19, số doanh nghiệp gia nhập thường cao hơn rất nhiều so với số rời khỏi thị trường. Có thời gian, mức độ chênh lệch này gấp 2 - 3 lần. Nhưng kể từ khi đại dịch xảy ra đến nay, số gia nhập và rút lui trong nhiều thời điểm là tương đương, hoặc chênh lệch không đáng kể, thậm chí, có nhiều thời điểm, số rút lui còn nhiều hơn số thành lập mới và tái gia nhập thị trường. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.

Về thực trạng nền kinh tế, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết sau 2/3 quãng đường của quý III, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước tháng 7, tháng 8 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục kiểm soát lạm phát tốt là điều kiện thuận lợi để bám sát mục tiêu và thực hiện quyết liệt các giải pháp triển khai sản xuất kinh doanh đã được đề ra trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, sự phục hồi của ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm tiếp tục là động lực và tiền đề cho hai tháng vừa qua và dự kiến tiếp tục tăng trưởng những tháng còn lại của năm 2024.

Theo đó, trong tháng 7 và tháng 8, sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước đạt 11,1% và 9,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 13,8% và 10,6%; sản xuất và phân phối điện ước đạt 7,6% và 8,9%.

"Với chỉ số sản xuất công nghiệp này, tăng trưởng của khu vực công nghiệp có thể sẽ là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế quý III”, bà Ngọc nhìn nhận.

Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, vận tải, lưu trú ăn uống, du lịch duy trì mức tăng cao. Nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh nhằm tăng cường thu hút khách du lịch.

Tính chung 8 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 11,4 triệu lượt khách, là mức cao nhất của cùng kỳ các năm 2018 - 2024, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Đây là những tín hiệu khả quan để có thể đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.

Xuất nhập khẩu tháng 7, tháng 8 vẫn tăng trưởng tốt; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đạt 52,4 điểm trong tháng 8, giảm so mức 54,7 điểm trong tháng 7 nhưng vẫn cho thấy mức cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh vào thời điểm giữa quý III, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đáng kể.

“Các chính sách giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng”, bà Ngọc nêu rõ.

>>Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 61 địa phương trên cả nước

Thúc đẩy “cỗ xe tam mã”

Trên cơ sở kết quả 8 tháng, Tổng cục thống kê dự báo GDP quý III đạt kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ (6,2-6,7%) và theo đó tăng trưởng năm 2024 có khả năng đạt được kịch bản phấn đấu của Chính phủ đề ra (6,5-7%).

Tổng cục Thống kê dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế (Ảnh minh hoạ)
Tăng trưởng năm 2024 có khả năng đạt được kịch bản phấn đấu của Chính phủ đề ra (6,5-7%).

Tuy vậy, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều yếu tố rủi ro, diễn biến mới phát sinh vượt ngoài khả năng dự báo của các nước, các tổ chức quốc tế. Căng thẳng địa chính trị leo thang, chiến tranh thương mại, diễn biến khí hậu cực đoan ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu...

Kinh tế thế giới phục hồi chậm và thiếu vững chắc; một số tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu, nhưng vẫn thấp hơn hoặc tương đương so với năm 2023. Mỹ và nhiều nước lớn duy trì lãi suất ở mức cao và chỉ bắt đầu xem xét lộ trình cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng từ nửa cuối năm 2024.

Thị trường tài chính, tiền tệ, giá vàng, xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa, vận tải thế giới biến động mạnh...; đồng tiền của nhiều nước mất giá mạnh so với đồng USD, tạo áp lực lớn lên điều hành chính sách tiền tệ của các nước để ổn định tỷ giá, nhất là các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Theo bà Ngọc, với quy mô kinh tế nhỏ, độ mở lớn nên nền kinh tế Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ những khó khăn, thách thức của bối cảnh thế giới, đòi hỏi Chính phủ, Bộ, ngành phải có những giải pháp, chính sách thận trọng, linh hoạt để thích ứng với bối cảnh thế giới một cách phù hợp và hiệu quả.

“Để đạt mục tiêu 6,5 - 7%, nền kinh tế cần được hỗ trợ hơn nữa từ các động lực chính đó là cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư đặc biệt là động lực đầu tư công. Do đó cần tập trung vào các giải pháp thúc đẩy “cỗ xe tam mã” gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu”, bà Ngọc nêu rõ.

>>Bất ngờ, một tỉnh miền núi tăng trưởng sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước

Chuyên gia: Thị trường BĐS Trung Quốc vẫn chưa chạm đáy, tăng trưởng GDP sẽ sụt giảm đáng kể

Cổ phiếu VRE đang ở mức định giá rẻ, CTCK khuyến nghị mua với tiềm năng tăng trưởng 45%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kinh-te-da-phuc-hoi-nhung-hoat-dong-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-con-nhieu-kho-khan-248365.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Kinh tế đã phục hồi nhưng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS & INTECH