Cuộc chiến ở Ukraine hiện đang là động lực tăng trưởng kinh tế của Nga, với phần lớn tăng trưởng được thúc đẩy bởi chi tiêu quân sự.
Theo một nhà kinh tế châu Âu, nền kinh tế Nga hoàn toàn bị chi phối bởi cuộc chiến ở Ukraine, đến mức Moscow không thể thắng hay thua trong cuộc chiến.
Renaud Foucart, giảng viên kinh tế cấp cao tại Đại học Lancaster, đã chỉ ra tình hình kinh tế tồi tệ mà Nga phải đối mặt khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc năm thứ hai.
Theo dữ liệu từ Chính phủ Nga, GDP của Nga đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái vào quý III/2023. “Tuy nhiên, phần lớn sự tăng trưởng đó được thúc đẩy bởi chi tiêu quân sự khủng khiếp của quốc gia”, Foucart cho biết. Được biết, Điện Kremlin có kế hoạch chi tiêu kỷ lục 36,6 nghìn tỷ rubles (tương đương 386 tỷ USD) cho quốc phòng trong năm nay.
Foucart nhận định: "Lương quân sự, đạn dược, xe tăng, máy bay và tiền bồi thường cho binh lính thiệt mạng và bị thương, tất cả đều đóng góp vào số liệu GDP. Nói một cách đơn giản, cuộc chiến chống Ukraine hiện là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Nga".
Các lĩnh vực khác của nền kinh tế Nga đang bị tổn thương khi chiến tranh kéo dài. Moscow đang rơi vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng do các chuyên gia trẻ rời khỏi đất nước hoặc bị kéo vào cuộc xung đột. Theo ước tính, Nga hiện đang thiếu khoảng 5 triệu công nhân, điều này đã khiến tiền lương tăng cao.
Lạm phát ở mức cao 7,4% - gần gấp đôi mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp vào nước này đã sụt giảm, giảm khoảng 8,7 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2023, theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga.
Tất cả những điều trên đặt Điện Kremlin vào thế khó, bất kể kết quả của cuộc chiến ở Ukraine như thế nào. Ngay cả khi Nga thắng, quốc gia này cũng không đủ khả năng để tái thiết và bảo vệ Ukraine, do chi phí tài chính cũng như tác động của việc bị cô lập khỏi phần còn lại của thị trường toàn cầu.
Các quốc gia phương Tây đã tránh xa thương mại với Nga kể từ khi nước này đưa quân tới Ukraine vào năm 2022, điều mà các nhà kinh tế cho rằng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế dài hạn của Nga.
Foucart nhận định, chừng nào còn bị cô lập, "hy vọng tốt nhất" của Nga là trở nên "hoàn toàn phụ thuộc" vào Trung Quốc, một trong số ít đồng minh chiến lược còn lại của nước này.
>> Nga áp đảo phương Tây ở một mặt hàng quan trọng: Sản lượng gấp 3, giá rẻ chỉ bằng 1/4