Kinh tế Trung Quốc rơi vào giảm phát
Những dữ liệu kinh tế “mờ nhạt” đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, khi triển vọng phục hồi của Trung Quốc trở nên yếu hơn.
Tờ Bloomberg dẫn dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 9/8 cho thấy: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của nước này giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2021.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng ghi nhận mức giảm tháng thứ 10 liên tiếp, sụt 4,4% so với tháng 7 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, cả CPI và PPI của Trung Quốc đều giảm so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7 đều giảm. |
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang bước vào giai đoạn giá cả suy giảm hiếm hoi, khi nhu cầu từ người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đều suy yếu. Thị trường bất động sản trì trệ, nhu cầu hàng xuất khẩu lao dốc và tiêu dùng trong nước ì ạch đang gây sức ép lên đà phục hồi của nước này.
Tuy vậy, Cục Thống kê Trung Quốc cho rằng việc CPI giảm do mức nền năm ngoái cao, cho rằng đây có thể là hiện tượng tạm thời và nhu cầu tiêu dùng vẫn tiếp tục cải thiện trong tháng 7.
Trong khi đó, lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) tăng lên 0,8%, từ mức 0,4% của tháng 6. Tính theo từng ngành hàng, giá đồ dùng, thực phẩm và phương tiện giao thông co lại, nhưng giá dịch vụ như giải trí, giáo dục của nước này lại tăng.
Nếu sử dụng chỉ số giảm phát GDP - một thước đo về giá cả của toàn nền kinh tế, Trung Quốc đã rơi vào giảm phát trong nửa đầu năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) định nghĩa giảm phát là “giai đoạn giảm kéo dài của giá cả tổng thể” (chẳng hạn là CPI hoặc chỉ số giảm phát GDP).
Đây không phải là điều tích cực với nền kinh tế. Vì khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu để kỳ vọng giá giảm thêm, các vấn đề kinh tế sẽ càng trầm trọng. Một khi doanh nghiệp giảm giá sản phẩm sẽ dẫn đến tinh trạng ăn mòn doanh thu và lợi nhuận, buộc các công ty hạn chế đầu tư và tuyển dụng.
Điều này làm gia tăng áp lực hơn nữa đối với chính quyền Bắc Kinh trong việc cần sớm đưa ra các biện pháp hỗ trợ, nhằm kích thích tăng trưởng.