Là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, tại sao Trung Quốc không cần đóng góp quỹ khí hậu toàn cầu?
Dù không tham gia quỹ chung, Trung Quốc cam kết không rút tiền từ quỹ để dành cho các nước nghèo hơn.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nước phát thải carbon lớn nhất, nhưng Trung Quốc không có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ Khí hậu Toàn cầu. Điều này bắt nguồn từ việc quốc gia này được xếp vào nhóm "đang phát triển", dù thực tế kinh tế và khoa học công nghệ của họ đã đạt tầm siêu cường.
Theo báo VnExpress, Vào tháng 9/2023, Ủy viên khí hậu EU Wopke Hoekstra đặt câu hỏi: "Nếu Trung Quốc có thể lên mặt trăng, tại sao họ không đóng góp nhiều hơn vào các hành động chống biến đổi khí hậu?". Câu hỏi này nhấn mạnh sự mâu thuẫn khi Trung Quốc vừa được xem là siêu cường về kinh tế và công nghệ, vừa tận dụng các ưu đãi dành cho nhóm nước đang phát triển, bao gồm việc không cần đóng góp vào quỹ khí hậu.
Từ năm 2009, tại Hội nghị Thượng đỉnh Copenhagen, các nước phát triển đã cam kết đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm đến 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc đối phó với biến đổi khí hậu. Khi mục tiêu này hết hạn vào năm 2025, Liên Hợp Quốc ước tính cần tới 500 tỷ USD hàng năm hoặc hơn. Phương Tây đang tìm cách huy động thêm các nước như Trung Quốc tham gia đóng góp, nhưng Bắc Kinh kiên quyết duy trì tư cách "đang phát triển".
Trung Quốc hiện là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới. Ảnh minh hoạ |
>> Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đặt mục tiêu vượt mức 25 tỷ USD
Trung Quốc tự nhận là "nước đang phát triển" vì thu nhập trung bình vẫn thấp, dù đã đạt nhiều thành tựu về kinh tế và công nghệ. Trong khi các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến phát triển vượt bậc, hàng trăm triệu người Trung Quốc vẫn sống dưới mức nghèo.
Dựa trên báo cáo của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia, Trung Quốc được xem là "siêu cường lai", vừa mang đặc điểm của nước phát triển, vừa duy trì yếu tố của một quốc gia đang phát triển. Điều này giúp họ có quyền tiếp cận các ưu đãi quốc tế, bao gồm cả quỹ khí hậu.
Dù không tham gia quỹ chung, Trung Quốc cam kết không rút tiền từ quỹ để dành cho các nước nghèo hơn và đã đóng góp 45 tỷ USD cho các nước đang phát triển trong thập kỷ qua. Đồng thời, Bắc Kinh đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, từ các dự án thủy điện, năng lượng mặt trời đến điện gió. Tổng giá trị đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng của họ năm 2023 đạt 675 tỷ USD, gấp đôi quốc gia đứng thứ hai.
Trung Quốc hiện là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới nhưng đã đưa ra cam kết đạt đỉnh phát thải trước năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Họ cũng thiết lập thị trường carbon lớn nhất thế giới và hợp tác với hơn 100 quốc gia trong các dự án năng lượng xanh.
Trung Quốc tiếp tục bảo vệ tư cách "đang phát triển" để giảm áp lực đóng góp quỹ khí hậu, đồng thời phải đối mặt với yêu cầu từ phương Tây về minh bạch trong cam kết. Theo các chuyên gia, sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước phát triển sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí khử carbon và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Trong bối cảnh các quốc gia phát triển chưa hoàn thành mục tiêu đóng góp hiện tại, Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng quốc tế bằng cách riêng, đồng thời kêu gọi các nước giàu thực hiện đúng cam kết.
>> 1 người lướt TikTok 45 phút mỗi ngày, một năm lượng carbon thải ra sẽ tương đương lái xe 200km
Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đặt mục tiêu vượt mức 25 tỷ USD
1 người lướt TikTok 45 phút mỗi ngày, một năm lượng carbon thải ra sẽ tương đương lái xe 200km