Lãi suất cho vay sẽ bắt đầu giảm mạnh từ tuần này, sau khi Ngân hàng nhà nước (NHNN) có cuộc họp với các ngân hàng thương mại hôm 25/5 với chỉ đạo quyết liệt về việc giảm lãi suất.
Sau cuộc họp với NHNN, nhiều ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay 0,3-0,5% đối với tất cả khách hàng hiện hữu. Nhóm dự kiến giảm lãi suất tuần tới sẽ tập trung ở các ngân hàng tư nhân từ đầu năm đến nay chưa điều chỉnh lãi với những khoản vay cũ.
Hôm 25/5, ngày đầu tiên áp dụng trần lãi suất mới, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Hầu hết đều giảm 0,5 điểm % tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống mức trần là 5%/năm.
Nhiều ngân hàng còn giảm lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng xuống còn 4,5-4,8%/năm như, SeABank, LPBank, TPBank, BVBank…
Hay nhóm big 4, dù đã niêm yết dưới mức trần 5%/năm, vẫn tiếp tục giảm thêm 0,5 điểm % lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, xuống còn 4,1-4,6%/năm.
Còn với kỳ hạn dài, huy động từ 6 tháng trở lên - do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường và không bị áp trần lãi suất cũng được một số đơn vị giảm, với mức giảm thấp hơn, từ 0,3-0,4 điểm %. Trên thực tế, đây mới là nguồn vốn quan trọng của ngân hàng, giúp các nhà băng cạnh tranh trong việc hút tiền gửi.
Lãi suất đầu vào giảm, là cơ sở để hạ lãi vay, từ đó tăng cung tiền. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lãi vay không thể giảm ngay mà cần có độ trễ để ngân hàng đảm bảo được thanh khoản.
Liên quan vấn đề lãi suất, trong công điện chiều 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường quản lý hiệu quả, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo… để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thiết thực, đúng đối tượng nhằm giải quyết khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là về đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.