Giới chuyên môn dự báo lãi suất huy động và lãi suất điều hành thời gian tới khó có thể giảm thêm.
Số liệu thống kê được CTCK Bảo Việt (BVSC) đưa ra trong báo cáo vĩ mô tháng 10/2023 vừa công bố cho thấy, trong tháng 10/2023, lãi suất huy động 12 tháng (mẫu theo dõi của BVSC) trung bình đạt 5,61%, giảm thêm 17 điểm cơ bản (bps) so với trung bình hồi tháng 9/2023, giảm 111 bps so với cùng kỳ năm ngoái và giảm tới 282 bps so với cuối năm 2022.
Với việc điều chỉnh giảm mạnh trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động hiện tại thậm chí đã thấp hơn mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Có thể nói, để có mức lãi suất thấp như hiện nay, ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm, mặc dù lãi suất thế giới vẫn tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
Tại Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg được Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, qua đó định hướng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Kết quả, đến nay mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm mạnh (lãi suất VND tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các NHTM giảm hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022). Với tác động có độ trễ của chính sách sau 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất và các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”, ông Phạm Chí Quang cho biết.
Qua thời ngân hàng ồ ạt treo biển lãi suất cao tới sát 10%/năm hút khách gửi tiền...