Tài chính Ngân hàng

Lạm phát cơ bản 8 tháng đầu năm 2024 tăng 2,71%

Mạc Thùy 09/09/2024 - 13:34

Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,71%.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2024 tăng giảm đan xen, trong đó giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7/2024, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới.

Tính chung tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định so với tháng trước. Bình quân 8 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,71%.

So với tháng 12/2023, CPI tháng 8 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ; riêng nhóm giao thông giảm giá so với tháng trước.

Mười nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,29%.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27% (làm cho CPI chung tăng 0,09 điểm %). Trong đó: Lương thực tăng 0,19%; thực phẩm tăng 0,28% (làm cho CPI chung tăng 0,06 điểm %); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,26%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,18%, trong đó giá khám chữa bệnh nội trú tăng 0,29%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,11%.

Nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,15%. Trong đó, giá máy điện thoại di động thông thường tăng 0,52%; giá máy điện thoại cố định tăng 0,25%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,15%, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Lễ Vu Lan và trong mùa du lịch cao.

Nhóm giáo dục tăng 0,14%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,12%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09% do chi phí nhân công tăng. Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,05% do nhu cầu mua sắm chuẩn bị bước vào năm học mới tăng.

Riêng nhóm giao thông giảm 1,98% (tác động làm giảm CPI chung 0,19 điểm %), chủ yếu do giá xăng dầu giảm.

Bình quân 8 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (4,04%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

>> Lạm phát tháng 8 duy trì ổn định, bình quân 8 tháng đầu năm tăng 4,04%

Lạm phát tháng 8 duy trì ổn định, bình quân 8 tháng đầu năm tăng 4,04%

Giá vàng quay đầu giảm mạnh sau khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lam-phat-co-ban-8-thang-dau-nam-2024-tang-271-248139.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lạm phát cơ bản 8 tháng đầu năm 2024 tăng 2,71%
    POWERED BY ONECMS & INTECH