Lần đầu tiên màn hình OLED Hàn Quốc bị Trung Quốc qua mặt
Trung Quốc đang thách thức các đối thủ Hàn Quốc trên thị trường màn hình OLED toàn cầu. Số liệu gần đây cho thấy lần đầu tiên doanh nghiệp OLED đại lục vượt “xứ củ sâm”.
Trong quý đầu năm 2024, lần đầu tiên doanh nghiệp OLED Trung Quốc vượt qua đối thủ Hàn Quốc để giữ vị trí số 1 thị trường. Những người trong ngành cho rằng thành tích này là nhờ chủ nghĩa tiêu dùng yêu nước của Bắc Kinh, không chỉ tẩy chay các sản phẩm nhập khẩu mà còn khiến các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc ủng hộ tấm nền OLED nội địa.
Các nhà sản xuất màn hình Hàn Quốc như Samsung Display và LG Display đang cố gắng duy trì vị trí dẫn đầu trong các sản phẩm cao cấp dựa vào công nghệ so với các công ty Trung Quốc song cạnh tranh ngày một tăng.
Theo dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường Omdia, doanh nghiệp Trung Quốc chiếm 49,7% lô hàng OLED toàn cầu trong quý I, còn Hàn Quốc chiếm 49%. Cùng kỳ năm 2023, thị phần của các công ty Hàn Quốc và Trung Quốc lần lượt là 62,3% và 36,6%. Tuy nhiên, con số này đã nhanh chóng thu hẹp xuống còn 9,5 điểm % ba tháng sau đó.
Khoảng cách mở rộng lên 14,9 điểm % trong quý III và 16,7 điểm % trong quý IV và cuối cùng bị đảo ngược trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.
Về doanh thu OLED, các công ty Hàn Quốc vẫn đang duy trì thị phần thống trị với 62,8% trong quý đầu năm, còn các công ty Trung Quốc theo sau với 36,4%. Điều này đồng nghĩa Samsung và LG vẫn duy trì sức mạnh trong các sản phẩm có giá trị cao nhưng khoảng cách doanh thu cũng đang thu hẹp nhanh chóng. Một năm trước, công ty Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm lần lượt 74,2% và 25,2% thị phần.
Các quan chức ngành công nghiệp màn hình cho rằng xu hướng này là do sự gia tăng của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực màn hình OLED cho smartphone, trong khi Huawei, Xiaomi, Oppo và các thương hiệu smartphone nội khác tăng cường sử dụng màn hình nội địa.
Theo hãng nghiên cứu Sino Research, các công ty màn hình Trung Quốc chiếm 50,7% thị trường OLED smartphone toàn cầu tính theo lô hàng trong nửa đầu năm nay, tăng 10,1% so với một năm trước đó. Trong cùng kỳ, tỷ lệ của các công ty Hàn Quốc đã giảm từ 59,4% xuống còn 49,3%.
Kể từ khi Trung Quốc đưa ra chiến lược "Made in China 2025" vào năm 2015, nước này đẩy mạnh khả năng tự cung tự cấp của các ngành công nghiệp, dẫn đến việc các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn sử dụng màn hình OLED sản xuất trong nước trong các sản phẩm mới của họ.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Màn hình Hàn Quốc, 16% smartphone Trung Quốc sử dụng tấm nền OLED Hàn Quốc, giảm từ 77,9% năm 2021 và 55,6% năm 2022.
"Sau khi các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc tuyên bố dẫn đầu trên thị trường LCD, các công ty Hàn Quốc đã nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào LCD và tập trung vào OLED. Dù các nhà sản xuất màn hình Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ, các công ty Trung Quốc đang bám đuổi không chỉ về giá mà còn cả công nghệ", một quan chức trong ngành chia sẻ với Korea Times.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, số vụ rò rỉ bí mật thương mại cũng tăng lên.
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, cảnh sát đã điều tra 12 trường hợp rò rỉ công nghệ ở nước ngoài trong nửa đầu năm nay, tăng từ 8 trường hợp trong nửa đầu năm 2023. Trong đó, có 3 trường hợp liên quan đến ngành công nghiệp màn hình.
Gần đây, Văn phòng Công tố quận trung tâm Seoul đã truy tố 3 cựu nhân viên LG Display, bao gồm một cựu trưởng nhóm, vì vi phạm Đạo luật ngăn chặn tiết lộ và bảo vệ công nghệ công nghiệp và các luật liên quan khác.
Các cá nhân bị cáo buộc chụp ảnh bản thiết kế của nhà máy LG Display ở Quảng Châu và cung cấp chúng cho một đối thủ Trung Quốc từ năm 2021 đến năm 2022. LG Display sản xuất tấm nền OLED cỡ lớn cho TV tại nhà máy này và đã đầu tư hơn 5 nghìn tỷ won (3,75 tỷ USD) để thiết lập các cơ sở sản xuất hàng loạt.
"Trong khi giám sát các nhân viên cũ, chúng tôi xác nhận các trường hợp công nghệ của chúng tôi bị rò rỉ và yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật điều tra", một quan chức tại LG Display cho biết. Công ty đang tăng cường quản lý an ninh và hệ thống, sẽ tiến hành các hành động pháp lý đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm rò rỉ thông tin, bao gồm công nghệ công nghiệp và các bí mật thương mại khác.
Tháng trước, tòa án quận Suwon tuyên án 6 năm tù đối với một cựu chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Samsung Display vì rò rỉ công nghệ OLED. Người này bị truy tố vì cố rò rỉ công nghệ liên quan đến thiết bị sản xuất mạch điện tử OLED và thiết bị in phun sang Trung Quốc từ năm 2018 đến năm 2020. Công tố viên ước tính những bí mật thương mại này có giá trị tối thiểu 340 tỷ won.
5 đồng phạm của nhà nghiên cứu đã nhận án tù từ 1 đến 2 năm, nhưng bị cáo đã trốn sang Trung Quốc. Sau khi trở về Hàn Quốc vào tháng 5/2023, hắn đã bị cơ quan công tố bắt giữ vào tháng 9/2023.
(Theo Korea Times)