Bất động sản

‘Làn sóng sáp nhập’ - Việt Nam sẽ hình thành một siêu đô thị hiện đại tầm vóc quốc tế

Nguyễn Thảo 20/04/2025 04:09

Việc dự kiến sáp nhập TP. HCM cùng với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ mở đường cho sự ra đời của một siêu đô thị hiện đại với diện tích gấp hơn 3 lần trước đó và quy mô gần 14 triệu dân.

Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết số 60 đã được thông qua, theo đó Trung ương nhất trí triển khai việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trên toàn quốc. Số lượng tỉnh, thành sẽ được điều chỉnh từ 63 xuống còn 34 đơn vị.

Một trong những điểm nổi bật trong đề án sắp xếp lần này là việc sáp nhập TP. HCM với hai địa phương giáp ranh là tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm hình thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới, vẫn mang tên TP. HCM. Trung tâm chính trị – hành chính của đơn vị mới này sẽ được đặt tại TP. HCM như hiện nay.

‘Làn sóng sáp nhập’ - Việt Nam sẽ hình thành một siêu đô thị hiện đại tầm vóc quốc tế- Ảnh 1.
TP. HCM hiện tại - trung tâm kinh tế chính trị lớn của cả nước. Ảnh: Internet

Việc dự kiến sáp nhập TP. HCM cùng với hai "đầu tàu công nghiệp" Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ là sự mở rộng địa giới hành chính, mà còn là cuộc bứt phá đưa thành phố mang tên Bác trở thành một siêu đô thị tầm vóc quốc tế – trái tim kinh tế mới của Đông Nam Á.

Với diện tích khổng lồ gần 6.773km2, gấp hơn 3 lần so với diện tích hiện tại của TP. HCM và dân số vượt mốc 13,7 triệu người, TP.HCM sau sáp nhập sẽ là một trong những đô thị lớn và đông dân nhất Đông Nam Á. Được hình thành từ 168 đơn vị hành chính – trong đó có 102 từ TP. HCM, 36 từ tỉnh Bình Dương và 30 từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – cấu trúc hành chính mới hứa hẹn tạo nên sức mạnh tổng hợp chưa từng có.

Khi đó, GRDP hợp nhất của vùng đô thị này ước tính sẽ khoảng 2,71 triệu tỷ đồng (tương đương 114,3 tỷ USD), chiếm gần 24% GDP cả nước. Những con số không chỉ ấn tượng, mà là minh chứng rõ ràng cho tiềm lực to lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TP. HCM sau sáp nhập sẽ trở thành trung tâm "đa lõi" với nhiều cực phát triển đồng đều: công nghệ cao tại Bình Dương, năng lượng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tài chính và thương mại tại trung tâm TP. HCM. Mô hình phát triển này mang đến sự lan tỏa đều, tránh quá tải cho khu vực nội đô, đồng thời tăng sức bật cho toàn vùng.

> > Nếu sáp nhập, tỉnh miền Trung này sẽ có đường bờ biển 490km dài nhất Việt Nam

Một trong những điểm nổi bật sau sáp nhập sẽ là sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng công nghiệp và cảng biển. Mạng lưới công nghiệp hiện tại của ba địa phương đã đạt quy mô đáng mơ ước: 61 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích hơn 24.800ha. Trong đó, Bình Dương nổi bật với các khu công nghệ cao, sản xuất điện tử, logistics và thành phố thông minh. Nhiều "ông lớn" như LEGO, Tokyu, VSIP… đã chọn nơi đây làm đại bản doanh khu vực.

‘Làn sóng sáp nhập’ - Việt Nam sẽ hình thành một siêu đô thị hiện đại tầm vóc quốc tế- Ảnh 2.
Bình Dương nổi tiếng với nhiều khu công nghiệp hiện đại. Ảnh: Internet

Trong khi đó, hệ thống cảng biển giữ vai trò "xương sống" cho thương mại quốc tế. Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện là cảng nước sâu duy nhất của Việt Nam có thể đón tàu tải trọng lớn, kết nối trực tiếp đến Châu Âu, Bắc Mỹ. Cảng Cát Lái (TP. HCM) vẫn giữ vị thế cửa ngõ xuất nhập khẩu phía Nam với hơn 5 triệu TEU/năm. Đặc biệt, siêu cảng Cần Giờ sẽ là cú hích ngoạn mục, khi một mình nó dự kiến xử lý gần 17 triệu TEU/năm – đưa tổng công suất logistics của khu vực đạt hơn 32,7 triệu TEU/năm, sánh ngang với nhiều siêu cảng hàng đầu châu Á.

Giao thông – "mạch máu" của phát triển – đang được đầu tư mạnh mẽ với hàng loạt dự án chiến lược: mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, triển khai ga T3, các tuyến metro nối liền Bình Dương, Đồng Nai và sân bay quốc tế Long Thành, cùng hệ thống cao tốc mới như TP. HCM – Mộc Bài, TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, …

‘Làn sóng sáp nhập’ - Việt Nam sẽ hình thành một siêu đô thị hiện đại tầm vóc quốc tế- Ảnh 3.
Một góc Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Internet

Bình Dương – ngôi sao FDI – đã hút gần 43 tỷ USD với hàng loạt siêu dự án như tổ hợp LEGO, các khu công nghệ cao và đô thị thông minh. Trong khi đó, Bà Rịa – Vũng Tàu đang vươn mình thành trung tâm năng lượng mới của quốc gia, với thế mạnh vượt trội về điện gió ngoài khơi, khí hóa lỏng và công nghiệp sinh học.

Tất cả hòa quyện tạo nên một siêu đô thị không chỉ là trung tâm kinh tế, logistics và năng lượng của cả nước, mà còn là biểu tượng của một Việt Nam hội nhập, hiện đại và bứt phá.

> > TP trực thuộc Trung ương nhỏ nhất dự kiến ‘vươn lên’ là TP lớn nhất Việt Nam sau sáp nhập: Sở hữu hệ thống giao thông đồ sộ với 2 sân bay, 3 bến cảng

Nếu sáp nhập, tỉnh miền Trung này sẽ có đường bờ biển 490km dài nhất Việt Nam

Từng là 'anh em chung một nhà', hai tỉnh này lại đang đứng ngoài làn sóng sáp nhập

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/lan-song-sap-nhap-viet-nam-se-hinh-thanh-mot-sieu-do-thi-hien-dai-tam-voc-quoc-te-202250419231155225.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Làn sóng sáp nhập’ - Việt Nam sẽ hình thành một siêu đô thị hiện đại tầm vóc quốc tế
    POWERED BY ONECMS & INTECH