Từng là 'anh em chung một nhà', hai tỉnh này lại đang đứng ngoài làn sóng sáp nhập
Từng có khoảng thời gian hơn 15 năm chung một mái nhà nhưng giờ đây, hai tỉnh này lại bất ngờ không nằm trong danh sách sáp nhập.
Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết số 60 đã được thông qua, theo đó Trung ương nhất trí triển khai việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trên toàn quốc. Số lượng tỉnh, thành sẽ được điều chỉnh từ 63 xuống còn 34 đơn vị. Trong đề án được trình bày, 11 tỉnh thành sẽ không bị ảnh hưởng và vẫn giữ nguyên hiện trạng. Các địa phương này bao gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Đáng lưu ý, trong số đó có hai tỉnh từng là một đơn vị hành chính thống nhất trong quá khứ, nhưng hiện tại lại không nằm trong danh sách sáp nhập. Đó là hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh
Trước đó, dưới thời Nhà Đinh, nhà Tiền Lê, Nghệ An và Hà Tĩnh từng là một đơn vị hành chính thống nhất mang tên Hoan Châu. Trải qua nhiều thời kỳ nhà Lý, Hậu Lê, Tây Sơn và Nhà Nguyễn, cái tên của vùng đất này nhiều lần thay đổi nhưng địa giới hành chính vẫn như ban đầu. Đến thời vua Minh Mạng, năm 1831, Nghệ An trấn được chia thành 2 tỉnh là Nghệ An (phía Bắc sông Lam) và Hà Tĩnh (phía Nam sông Lam).
Đến cuối năm 1975, Nghệ An và Hà Tĩnh lại được hợp nhất lại thành tỉnh Nghệ Tĩnh với 27 đơn vị hành chính. Sau đó, đến tháng 8/1991, Nghệ Tĩnh lại được chia tách, trả về hai địa danh quen thuộc: Nghệ An và Hà Tĩnh.

Dẫu chia tách hay sáp nhập, vùng đất Lam Hồng này vẫn là cái nôi sản sinh ra nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Với biểu tượng chung là núi Hồng - sông Lam, Nghệ An và Hà Tĩnh từ lâu đã hòa quyện trong một không gian văn hóa độc đáo, góp phần làm giàu thêm cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
Trong công cuộc đại sáp nhập của cả nước ta hiện nay để hướng tới một kỷ nguyên mới cho dân tộc, đáng chú ý, hai tỉnh thành vốn được xem là “anh em chung một nhà” này lại không nằm trong diện sáp nhập. Việc tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh được thực hiện dựa trên nhiều yếu tố và tiêu chí khác nhau được trình bày trong nhiều văn bản và các cuộc họp gần đây của Ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, trong đó có thể kể đến như: diện tích tự nhiên của địa phương, quy mô dân số hiện tại, các yếu tố lịch sử và truyền thống văn hóa đặc trưng, các yếu tố liên quan đến tôn giáo và dân tộc cũng như các yếu tố về địa kinh tế, địa chính trị, quốc phòng và an ninh của từng khu vực.
> > Sắp khởi động dự án đường cất hạ cánh thứ 2 của siêu sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam
Việc Nghệ An và Hà Tĩnh không nằm trong diện sáp nhập, dù từng có thời gian dài là một thực thể hành chính thống nhất, không chỉ phản ánh sự cẩn trọng trong cân nhắc của Trung ương mà còn cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của hai tỉnh này trong bản đồ hành chính, văn hóa và chính trị quốc gia.
Nghệ An hiện là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với hơn 16.400km2, dân số gần 3,5 triệu người, hội tụ đầy đủ các yếu tố từ địa kinh tế, địa chính trị đến văn hóa và quốc phòng. Đây là địa phương có vị trí chiến lược, nằm giữa Bắc Trung Bộ, là cửa ngõ giao thương quan trọng với nước bạn Lào thông qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, kết nối với tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Ngoài ra, Nghệ An còn là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh – biểu tượng thiêng liêng của dân tộc, cùng nhiều di tích, giá trị văn hóa lịch sử lâu đời như đền Quang Trung, khu di tích Kim Liên,...

Hà Tĩnh tuy nhỏ hơn về diện tích và dân số nhưng lại là điểm sáng trong chiến lược phát triển công nghiệp, với khu kinh tế Vũng Áng đang đóng vai trò đầu tàu thu hút đầu tư FDI. Không chỉ có vị trí đặc biệt bên bờ biển Đông, Hà Tĩnh còn là nơi có truyền thống hiếu học, giàu tiềm năng phát triển về văn hóa, du lịch và thủy sản. Đây cũng là vùng đất có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ.
Hiện nay, mối liên kết chặt chẽ giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được thể hiện rõ nét qua năm cây cầu vươn mình nối đôi bờ sông Lam: Bến Thủy I, Bến Thủy II, Yên Xuân, Cửa Hội và Hưng Đức. Mỗi cây cầu không chỉ là một công trình giao thông mà còn mang trong mình những giá trị biểu tượng riêng, góp phần thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế và thắt chặt tình nghĩa keo sơn giữa hai miền đất.

Không chỉ có sự gắn kết về mặt địa lý và kinh tế, Nghệ An và Hà Tĩnh còn chia sẻ một di sản văn hóa chung đặc biệt – dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2014, Ví, Giặm là lời ca mộc mạc, sâu lắng thể hiện tình yêu quê hương, lòng nhân hậu và vẻ đẹp tâm hồn của con người xứ Nghệ. Với giai điệu ngọt ngào và cách sử dụng ngôn từ giàu hình ảnh, đậm chất địa phương, Ví, Giặm không chỉ là một loại hình nghệ thuật dân gian mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng, bền chặt kết nối hai vùng đất giàu truyền thống – Nghệ An và Hà Tĩnh.
Việc giữ nguyên địa giới hành chính hai tỉnh này không chỉ là sự tôn trọng những giá trị lịch sử - văn hóa riêng biệt, mà còn cho thấy định hướng phát triển độc lập, bền vững của từng địa phương. Quyết định này góp phần đảm bảo tính ổn định chính trị, hạn chế xáo trộn hành chính và tạo điều kiện để cả Nghệ An và Hà Tĩnh phát huy tối đa thế mạnh riêng, từ đó đóng góp chung cho sự phát triển vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
Hơn thế, việc không sáp nhập cũng mở ra kỳ vọng về một mô hình phát triển liên kết vùng hiệu quả hơn – trong đó Nghệ An và Hà Tĩnh, dù là hai đơn vị hành chính độc lập, vẫn có thể phối hợp chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực như quy hoạch hạ tầng, du lịch, giao thông, giáo dục và bảo tồn di sản. Chính mô hình liên kết mềm, linh hoạt giữa hai địa phương sẽ tạo nền tảng vững chắc để Nghệ An và Hà Tĩnh cùng phát triển hài hòa, khai thác hiệu quả thế mạnh riêng, đồng thời thúc đẩy sự đồng bộ trong chiến lược vùng, góp phần xây dựng khu vực Bắc Trung Bộ trở thành động lực tăng trưởng mới của cả nước.
> > Tỉnh dự kiến sáp nhập với Nam Định sắp khởi công dự án cao tốc gần 7.000 tỷ