Láng giềng dùng công nghệ đào mỏ kho báu quý nhất thế giới, Việt Nam cũng có trữ lượng lớn thứ 4 toàn cầu
Việt Nam hiện nắm giữ một trong những mỏ khoáng sản có quy mô lớn nhất thế giới, mở ra tiềm năng chiến lược trong bối cảnh thị trường khoáng sản toàn cầu đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ.
Vonfram là nguyên tố hiếm, có vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm sản xuất vật liệu siêu cứng, điện tử, hàng không, quốc phòng và thiết bị y tế. Trong bối cảnh thế giới đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng và phát triển các công nghệ sạch, vonfram ngày càng được coi là nguyên liệu chiến lược.
Theo số liệu công bố năm 2024 của USGS (Cục Khảo sát địa chất Mỹ), Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 quốc gia có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới. Cụ thể, trữ lượng ước tính đạt khoảng 140.000 tấn, chỉ xếp sau ba cường quốc khoáng sản là Trung Quốc (1,9 triệu tấn), Nga (400.000 tấn) và Australia (360.000 tấn).

Trung Quốc dùng công nghệ khai thác vonfram
Theo thống kê, Trung Quốc hiện là quốc gia có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới, với khoảng 1,9 triệu tấn. Không chỉ giữ vai trò là nhà cung cấp hàng đầu, nước này còn chiếm ưu thế tuyệt đối về xuất khẩu, với mạng lưới vận chuyển sản phẩm vonfram đến khoảng 200 quốc gia chủ yếu là các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Đức, Anh, Úc và Ấn Độ. Trong số đó, Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu vonfram lớn nhất từ Trung Quốc, tiếp theo là Mỹ và Hàn Quốc.
Bên cạnh trữ lượng lớn, Trung Quốc cũng sở hữu công nghệ khai thác vonfram hiện đại nhất thế giới. Nước này đang triển khai các hệ thống khai thác thông minh ứng dụng loạt công nghệ tiên tiến như mạng 5G, Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo (VR), kết hợp với nền tảng điều khiển tích hợp, giúp quản lý toàn diện quá trình sản xuất từ khai thác đến an ninh mỏ.
Toàn bộ mô hình này vận hành theo nguyên tắc “một trung tâm, một hệ thống, một nền tảng và nhiều ứng dụng thông minh”, cho phép tối ưu hóa hiệu suất và đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác vonfram.
Việt Nam có trữ lượng lớn thứ 4 toàn cầu
Tại Việt Nam, mỏ Núi Pháo (Thái Nguyên) là nguồn cung cấp vonfram chính, được đánh giá là một trong những mỏ có trữ lượng lớn nhất, nắm tới 90% trữ lượng của cả nước. Dự án hiện do Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials (MHT) quản lý và vận hành.
Khác với mô hình khai thác thô truyền thống, MHT theo đuổi chiến lược chế biến sâu, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ tái chế kim loại từ thiết bị đã qua sử dụng. Đây là bước đi được đánh giá phù hợp với xu hướng phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn mà các quốc gia phát triển đang theo đuổi.

MHT hiện sở hữu chuỗi công nghệ xử lý và tái chế vonfram, niken, cobalt và các kim loại quan trọng khác từ chất thải điện tử, pin cũ, với tỷ lệ thu hồi cao và giảm thiểu tác động môi trường.
Hiện nay, MHT đang nghiên cứu phát triển trung tâm tái chế kim loại công nghệ cao ngay tại Việt Nam. Điều này giúp giảm phụ thuộc vào nguồn khai thác sơ cấp đồng thời góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến mới trong chuỗi cung ứng nguyên liệu chiến lược toàn cầu.
Bên cạnh hoạt động sản xuất, doanh nghiệp khai khoáng Việt Nam cũng đang từng bước tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG).
Tại mỏ Núi Pháo, các chương trình giảm phát thải khí nhà kính, quản lý nước, bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng được triển khai song song với hoạt động khai thác. Đơn vị vận hành cũng đang xây dựng chiến lược phi carbon dài hạn nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa khí thải.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia, đặc biệt là khối EU và Mỹ, có xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng trở thành trung tâm mới trong ngành vật liệu công nghệ cao.
Với lợi thế về trữ lượng tài nguyên, khả năng chế biến sâu và định hướng phát triển bền vững, Việt Nam đang dần khẳng định vai trò trong lĩnh vực khai khoáng chiến lược, không chỉ ở cấp độ khu vực mà còn trên quy mô toàn cầu.
>> Tìm thấy ‘kho báu’ khổng lồ trong bãi rác 4.100ha, ước tính giá trị lên tới 150.000 tỷ
Phát hiện 'kho báu' 120 thỏi vàng trên tàu, chủ nhân đến nay vẫn là bí ẩn
Phát hiện ‘kho báu’ chứa 10.000 món vàng bạc dưới đáy sông, hé lộ truyền thuyết hàng trăm năm trước