Láng giềng Việt Nam cân nhắc áp thuế 0% với hàng Mỹ
Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump siết chặt chính sách thuế quan, Campuchia đang nỗ lực đàm phán nhằm duy trì ưu thế tiếp cận thị trường Mỹ – đối tác xuất khẩu lớn nhất của nước này.
Kim ngạch thương mại giữa Campuchia và Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2025 đã vượt 3,29 tỷ USD - tăng trưởng 22,6% (YoY) so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt Campuchia (GDCE).
Đáng chú ý, xuất khẩu của Campuchia sang thị trường Mỹ đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhập khẩu của Campuchia từ Mỹ đạt gần 98 triệu USD – tăng mạnh 34,8%. Điều này đưa thặng dư thương mại của quốc gia này với Mỹ lên hơn 3,1 tỷ USD, tăng 15,3% so với mức 2,69 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Thông qua kết quả này, Mỹ tiếp tục giữ vững vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia, bỏ xa các đối tác khác như Việt Nam (1,7 tỷ USD), Nhật Bản (523 triệu USD), Trung Quốc (478 triệu USD), Canada (366 triệu USD) và Thái Lan (327 triệu USD). Hàng may mặc và giày dép vẫn là nhóm sản phẩm chủ lực được Campuchia xuất sang Mỹ trong giai đoạn đầu năm.
Ông Lor Vichet, phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Campuchia - Trung Quốc (CCCA), trong cuộc phỏng vấn gần đây đã nhấn mạnh vai trò then chốt của Mỹ và châu Âu đối với nền kinh tế Campuchia.

Theo ông, các thị trường này không chỉ hấp thụ phần lớn hàng xuất khẩu mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho các ngành công nghiệp trọng điểm như dệt may, giày dép và hàng hóa phục vụ du lịch (GFT).
Bình luận về triển vọng đàm phán thương mại song phương, ông Lor Vichet cho rằng việc Washington đóng vai trò là thị trường đầu ra lớn nhất của Campuchia khiến việc ngồi lại đàm phán với Mỹ trở thành “con đường thực tế duy nhất để tiến về phía trước”.
Ông đề xuất Campuchia nên cam kết nhập khẩu hàng hóa Mỹ trị giá 1 tỷ USD mỗi năm, đồng thời cân nhắc áp dụng mức thuế 0% đối với sản phẩm của Mỹ – như một phần trong chiến lược thương mại cân bằng và bền vững hơn.
Song song với đó, ông cũng kêu gọi Chính phủ đẩy mạnh đa dạng hóa danh mục xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào nhóm hàng GFT và mở rộng quan hệ với nhiều đối tác thương mại khác để giảm rủi ro từ việc quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
Bối cảnh này diễn ra trong lúc Mỹ đang điều chỉnh chính sách thuế thương mại. Hôm 3/4, Washington thông báo sẽ áp mức thuế đối ứng lên hàng nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có Campuchia với mức thuế lên tới 49%.
Tuy nhiên, vào ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày đối với các quốc gia chưa áp dụng biện pháp trả đũa, bao gồm cả Campuchia.
Tiếp nối diễn biến này, một phái đoàn do phó Chủ tịch thứ nhất của Hội đồng Phát triển Campuchia Sun Chanthol dẫn đầu đã tới Washington để tham dự vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp định Khung Thương mại và Đầu tư (TIFA), diễn ra từ ngày 13-15/5. Đây là cuộc gặp trực tiếp sau hai phiên họp trực tuyến giữa Campuchia và Mỹ vào tháng 4 và đầu tháng 5.
Đến ngày 15/5, Chính phủ Campuchia xác nhận đã khởi động vòng đàm phán thương mại đầu tiên với Mỹ liên quan đến các mức thuế quan cao nhất mà chính quyền ông Trump đang áp dụng tại khu vực Đông Nam Á.
Cuộc đối thoại diễn ra trong không khí "thẳng thắn, xây dựng và hiểu biết lẫn nhau", theo thông cáo từ phía Campuchia. Cuộc đàm phán thứ 2 sẽ được tổ chức vào đầu tháng 6 tới đây.
Tổng hợp