Doanh nghiệp Trung Quốc 'tháo chạy' khỏi Mỹ với tốc độ không tưởng, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bất ngờ hưởng lợi?
Allianz Trade cảnh báo, căng thẳng thương mại lan rộng có thể khiến xuất khẩu toàn cầu thiệt hại tới 305 tỷ USD trong năm nay.
Hậu quả từ cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ đang để lại những vết sẹo sâu sắc trong cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc, buộc nhiều công ty phải gấp rút tìm kiếm thị trường thay thế, bất chấp những động thái giảm thuế tạm thời từ phía Washington.
Một khảo sát do công ty bảo hiểm thương mại Allianz Trade thực hiện với 4.500 doanh nghiệp xuất khẩu tại nhiều nền kinh tế lớn cho thấy, có tới 95% doanh nghiệp Trung Quốc được hỏi đang có kế hoạch – hoặc đã bắt đầu – đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường ngoài Mỹ.
Theo báo cáo, kịch bản "tách rời" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn được đánh giá là xu hướng trung hạn, trong bối cảnh các doanh nghiệp Trung Quốc chủ động rút khỏi thị trường Mỹ, trong khi các công ty Mỹ cũng đẩy nhanh kế hoạch dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Tác động của thuế quan hai con số do Mỹ áp đặt đang khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp lo ngại doanh thu xuất khẩu trong năm nay sẽ sụt giảm.

Dù mới đây, hai nước đã đạt được một thỏa thuận tại Thụy Sĩ về việc hạ thuế, mức thuế trung bình có trọng số mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc vẫn ở mức 39% – cao hơn nhiều so với mức 13% trước nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, theo ước tính của Allianz Trade.
Việc căng thẳng thuế quan hạ nhiệt nhanh chóng trong thời gian gần đây đã khiến lượng đơn hàng đổ dồn về Mỹ tăng vọt trong thời gian ân hạn 90 ngày, từ đó đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao.
Tuy nhiên, tại thành phố cảng Ninh Ba – một trong những trung tâm xuất khẩu lớn của Trung Quốc, các doanh nghiệp vẫn kiên định với chiến lược “toàn cầu hóa” bất chấp sự tạm lắng trong quan hệ thương mại với Mỹ, theo ông Tianchen Xu, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit.
Trong một báo cáo sau chuyến khảo sát thực địa tại Ninh Ba, ông Xu cho biết Đông Nam Á tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp địa phương có kế hoạch chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài. Đáng chú ý, Indonesia nổi lên như lựa chọn hấp dẫn nhờ môi trường đầu tư cải thiện.
Trong khi Mỹ đã đạt được một số thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và Anh, các cuộc đàm phán với những đối tác lâu năm khác dường như đang rơi vào bế tắc.
Allianz Trade cảnh báo, căng thẳng thương mại lan rộng có thể khiến xuất khẩu toàn cầu thiệt hại tới 305 tỷ USD trong năm nay – một con số đáng chú ý nếu đặt trong bối cảnh tổng giá trị thương mại toàn cầu năm ngoái đạt mức kỷ lục 33 nghìn tỷ USD, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc.
Tham khảo CNBC
>> Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á gia tăng hợp tác với BRICS trong bối cảnh thế giới đầy biến động?
Mỹ siết cửa ngõ cuối cùng, doanh nghiệp Trung Quốc điêu đứng: ‘Không thể bán gì cho Mỹ nữa’
Khẩn cấp cứu doanh nghiệp, Trung Quốc bất ngờ miễn thuế 125% với một mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ