Láng giềng Việt Nam phát triển radar ‘ma’ có khả năng phát hiện tàu ngầm ở tốc độ gần bằng ánh sáng
Công nghệ này không chỉ cho phép dò tìm tàu ngầm ẩn sâu dưới nước mà còn mở ra triển vọng mới trong liên lạc tầm xa giữa tàu chiến và tàu ngầm.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã đạt được bước đột phá mới trong công nghệ phát hiện tàu ngầm bằng cách tạo ra một nguồn phát sóng vô tuyến trên bầu trời, sử dụng công nghệ tổng hợp vi sóng năng lượng cao.
Nguồn tín hiệu ảo này, được ví như một “radar ma”, có khả năng phát sóng điện từ liên tục khi di chuyển với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.
Theo nghiên cứu được công bố vào ngày 25/11 trên tạp chí học thuật Radar Hiện Đại của Trung Quốc, công nghệ này sử dụng sóng điện từ tần số cực thấp (ELF) để phát hiện tàu ngầm ẩn sâu dưới nước.
Đột phá công nghệ
Sóng điện từ tần số cực thấp (ELF), với khả năng xuyên qua nước biển, cho phép phát hiện các tàu ngầm nằm ở độ sâu hàng trăm mét dưới nước.
Theo nhóm nghiên cứu do ông Li Daojing (thuộc Viện Khoa học Trung Quốc) đứng đầu, đây là một công nghệ “đột phá mang tính cách mạng”.
Các nhà khoa học giải thích rằng, khi tiếp xúc với tín hiệu có tần số thấp tới 100Hz, tiết diện radar (RCS - thước đo khả năng phát hiện vật thể bằng radar) của một tàu ngầm hạt nhân trong nước biển có thể đạt tới 88m2. Điều này giúp phát hiện các mục tiêu dưới nước bằng “những cảm biến từ trường thông thường”.
Bằng cách gắn các cảm biến nhỏ gọn này lên máy bay không người lái (drone), nhóm nghiên cứu cho rằng việc “phát hiện mục tiêu theo từng gradient trên toàn bộ trường không gian” có thể thực hiện được.
Đổi mới trong thiết kế
Sóng ELF, với bước sóng dài hơn 100m, thường yêu cầu khoảng cách lớn giữa các đơn vị ăng-ten. Việc tạo ra tín hiệu tần số thấp theo truyền thống cần sử dụng các ăng-ten lớn, như cơ sở ELF ở trung tâm Trung Quốc, nơi các ăng-ten dài tới hơn 100km.
Tuy nhiên, nhóm của ông Li đã thu nhỏ chiều dài mảng phát sóng xuống chỉ còn khoảng 100m, đủ nhỏ gọn để lắp đặt trên các tàu hải quân Trung Quốc. Sóng điện từ tần số cao và công suất lớn phát ra từ những ăng-ten này hội tụ trên bầu trời, tạo ra một nguồn phát vô tuyến ảo.
Khi một nguồn tín hiệu tan rã, nguồn khác sẽ ngay lập tức được tạo ra, đảm bảo luồng sóng tần số thấp liên tục.
Công nghệ này còn có tiềm năng ứng dụng trong liên lạc giữa tàu mặt nước và tàu ngầm, với tầm hoạt động lên tới 6.000km theo tính toán của nhóm nghiên cứu.
Hiện nay, việc xác minh kỹ thuật trên mặt đất đã hoàn tất. Ông Li cho biết bước tiếp theo là rút ngắn chiều dài mảng phát sóng xuống còn khoảng 30m, nhằm tăng tính linh hoạt cho các ứng dụng trong tương lai.
Theo Interesting Engineering