Láng giềng Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng khi Fed chuẩn bị hạ lãi suất
Sự dịch chuyển sang chứng khoán Indonesia diễn ra trong bối cảnh các quỹ đầu tư nước ngoài giảm nắm giữ tại một số thị trường chứng khoán như Ấn Độ và Trung Quốc để chuyển sang thị trường Đông Nam Á.
Trong tháng này, thị trường chứng khoán Indonesia đã nhanh chóng trở thành điểm đến đầu tư được ưa chuộng khi chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đến gần.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 933,8 triệu USD cổ phiếu của quốc gia này vào tháng 8, hướng đến mức mua ròng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4/2022. Còn dòng tiền ròng 2,5 tỷ USD vào trái phiếu là nhiều nhất trong hơn một năm.
Dòng tiền đổ vào đã giúp đồng rupiah xóa sạch mức giảm so với đồng USD trong năm nay, với mức tăng trong tháng cũng chỉ đứng sau đồng ringgit của Malaysia tại châu Á.
Sự dịch chuyển sang chứng khoán Indonesia diễn ra khi các quỹ đầu tư nước ngoài giảm nắm giữ tại một số thị trường chứng khoán khu vực bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc để chuyển sang thị trường Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, triển vọng Ngân hàng Trung ương Indonesia sẽ theo chân Fed để hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy sức hấp dẫn của tài sản nước này.
Trong khi việc mua ròng trái phiếu trong tháng 8 được dự báo đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2023, thì việc chuyển sang cổ phiếu đã thúc đẩy chỉ số Jakarta Composite liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới trong tháng. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng cổ phiếu Malaysia và Philippines.
Các chiến lược gia của HSBC Holdings Plc nhận định cổ phiếu Indonesia đã bắt đầu tăng mạnh hơn khi các quỹ đầu tư châu Á không còn đánh giá thấp thị trường Đông Nam Á.
Ngoài ra, các chiến lược gia của Nomura Holdings đã nâng triển vọng cổ phiếu của Indonesia từ “trung lập” lên “tăng tỷ trọng” trong tuần này. Họ cho biết đây "có thể là cách tốt nhất" để đặt cược vào cổ phiếu thị trường mới nổi khi Fed bắt đầu hạ lãi suất.