Đây là một sứ mệnh mang tính bước ngoặt của Trung Quốc nhằm lấy các mẫu đất đá đầu tiên trên thế giới từ vùng tối của Mặt Trăng.
CNBC đưa tin, tàu Hằng Nga 6 (Chang'e-6) của Trung Quốc đã hạ cánh xuống vùng tối của Mặt trăng vào hôm 2/6 để thu thập các mẫu đá giúp cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về khu vực ít được khám phá này.
Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết Hằng Nga 6 đã thành công chạm xuống bề mặt Mặt trăng lúc 6:23 sáng (giờ Bắc Kinh) tại khu vực chỉ định ở Lưu vực Nam Cực-Aitken.
Sứ mệnh Hằng Nga 6 được giao nhiệm vụ thu thập mẫu vật ở vùng tối của Mặt trăng và đưa về Trái đất. Đây là nỗ lực đầu tiên của nhân loại trong trong lịch sử thám hiểm Mặt trăng.
Tàu Hằng Nga 6 vào thời điểm được phóng lên. Ảnh: CNBC |
Tàu đổ bộ sẽ sử dụng cánh tay robot và máy khoan để xúc khoảng 2kg mẫu vật trên và dưới lòng đất trong 2 ngày.
Sau đó, các mẫu vật sẽ được cho vào trong một container chân không bằng kim loại rồi đưa trở lại một tàu bay khác trên quỹ đạo Mặt trăng.
Thùng chứa kế đó sẽ chuyển sang một khoang hồi quyển dự kiến trở về Trái đất tại sa mạc khu vực Nội Mông của Trung Quốc vào ngày 25/6.
Chương trình không gian này diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh khám phá Mặt trăng với Mỹ và các nước khác, bao gồm Nhật Bản và Ấn Độ, ngày càng gia tăng.
Trung Quốc đã đưa trạm vũ trụ của riêng mình vào quỹ đạo và thường xuyên cử phi hành đoàn tới đó.
Vùng tối của Mặt Trăng được thấy trong hình ảnh chụp từ sứ mệnh Hằng Nga 4. Ảnh: CNSA |
Cường quốc châu Á đặt mục tiêu đưa người lên Mặt trăng trước năm 2030, điều này sẽ biến nước này trở thành quốc gia thứ 2 sau Mỹ làm được như vậy.
Trong khi đó, Mỹ cũng đang lên kế hoạch đưa các phi hành gia lên Mặt trăng một lần nữa - lần đầu tiên sau hơn 50 năm - vào năm 2026.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Mỹ trong việc sử dụng tên lửa khu vực tư nhân để phóng tàu vũ trụ nhiều lần bị trì hoãn. Sự cố máy tính vào phút cuối đã ảnh hưởng đến kế hoạch phóng chuyến bay phi hành gia đầu tiên của Boeing vào ngày 1/6.
Theo CNBC, các nhiệm vụ tới phần tối Mặt trăng thường khó khăn hơn vì nó không hướng về phía Trái đất, đòi hỏi một vệ tinh trung gian để duy trì liên lạc. Địa hình cũng gồ ghề hơn, có ít khu vực bằng phẳng để hạ cánh.
>> Siêu cường châu Á chuẩn bị đưa 'kho báu' vô giá của nhân loại lên Mặt Trăng vào cuối năm nay