Láng giềng Việt Nam xây dựng căn cứ ngoài Trái đất làm từ 'bụi Mặt trăng': Bền gấp 3 lần bê tông, chịu được hơn 1 tấn/cm3
Loại gạch này có khả năng chống chịu điều kiện khắc nghiệt của không gian vũ trụ mà không cần sử dụng đinh hay keo dán.
Trung Quốc vừa cho ra mắt một loại vật liệu xây dựng tiên tiến, dự kiến sẽ được sử dụng cho căn cứ trên Mặt trăng trong tương lai. Loại "gạch đen" này có thể được sản xuất ngay từ đất Mặt trăng và thậm chí còn bền hơn cả gạch bê tông thông thường.
Giáo sư Zhou Cheng từ nhóm nghiên cứu cho biết: "Những viên gạch này được chế tạo bằng cách mô phỏng đất trên Mặt trăng. Độ bền chịu nén của những viên gạch này cao gấp 3 lần so với gạch và khối bê tông thông thường, có khả năng chịu hơn 1 tấn/cm3".
Đặc biệt, loại gạch này có cấu trúc ghép mộng độc đáo, không cần đến keo dán hay đinh vít, cho phép các khối gạch dễ dàng kết nối với nhau và tạo nên các công trình vững chắc.
Nhóm các nhà khoa học đã sử dụng đất Mặt trăng mô phỏng và năng lượng Mặt trời để chế tạo loại gạch này thông qua quá trình ép nóng. Giáo sư Zhou chia sẻ: "Chúng tôi cân đất Mặt trăng mô phỏng, đặt vào khuôn, tạo áp suất đều, sau đó nung nóng ở nhiệt độ trên 1.000 độ C trong môi trường chân không".
Đây là giải pháp giúp giảm thiểu nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng từ Trái đất, tiết kiệm chi phí cho các sứ mệnh không gian dài hạn.
Trong thời gian tới, những viên gạch này sẽ được đưa lên trạm vũ trụ của Trung Quốc bằng tàu Tianzhou-8 để tiến hành thử nghiệm trong môi trường không gian. Quá trình kiểm tra sẽ đánh giá khả năng chịu nhiệt động lực học, cơ học và chống bức xạ, nhằm chuẩn bị cho điều kiện khắc nghiệt trên Mặt trăng – nơi nhiệt độ dao động từ hơn 180°C ban ngày đến -190°C vào ban đêm.
Do Mặt trăng không có bầu khí quyển, các khối gạch sẽ phải tiếp xúc với bức xạ vũ trụ và tác động từ thiên thạch nhỏ. Những thử nghiệm này sẽ đánh giá độ bền của gạch dưới các điều kiện cực đoan.
Nhóm nghiên cứu sẽ gửi các mẫu gạch với nhiều thiết kế và quy trình sản xuất khác nhau, đưa vào không gian và thu hồi về Trái đất để phân tích theo từng đợt. Dự kiến đợt đầu tiên sẽ trở về vào cuối năm 2025.
Theo lộ trình, sau thành công của sứ mệnh Chang’e-5, Trung Quốc dự kiến phóng tàu Chang’e-7 vào năm 2026 để khảo sát môi trường và tài nguyên tại cực Nam của Mặt trăng.
Đến năm 2028, Chang’e-8 sẽ thực hiện sứ mệnh xây dựng một trạm nghiên cứu khoa học cơ bản tại đây. Tham vọng của Trung Quốc là đến năm 2030 có thể hạ cánh tàu vũ trụ có người lái, và đến năm 2040 sẽ hoàn thiện một trạm nghiên cứu khoa học quốc tế với chức năng đầy đủ, phục vụ cho các thí nghiệm khoa học và khám phá không gian.
Quốc này đang ngày càng khẳng định vị thế trong cuộc đua khám phá Mặt trăng, sẵn sàng vượt qua thách thức để mở ra những tiềm năng mới ngoài không gian.
Theo SCMP
Nữ tiến sĩ trẻ tạo ra pin vũ trụ chịu lạnh dùng trên sao Hỏa 2 tháng
Trung Quốc công bố chiến lược phát triển ngành vũ trụ quan trọng