Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội đề xuất tăng lương cho lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn có lãi.
Tăng lương cho lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước, liệu có hút được nhân tài? |
Lương cơ bản từ 16 đến 36 triệu
Số liệu tổng hợp từ Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cho thấy, năm 2022, lương bình quân của người lao động khối doanh nghiệp Nhà nước đạt 10 - 12 triệu đồng/người/tháng, lương lãnh đạo doanh nghiệp bình quân 40 triệu đồng/người/tháng. Xét riêng khối tập đoàn, tổng công ty nhà nước, lương bình quân người lao động đạt 17 - 18 triệu đồng/người/tháng, lãnh đạo đạt 60 - 70 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, tại Ngân hàng Chính sách xã hội, năm vừa qua, với trên 10.300 lao động đang nhận lương bình quân gần 23 triệu đồng/người/tháng; với 9 lãnh đạo (hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát) nhận lương bình quân gần 65 triệu đồng/người/tháng.
Cùng năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) sử dụng hơn 38.200 lao động, với lương bình quân hơn 30 triệu đồng/người/tháng; với 23 người quản lý lương bình quân 64 triệu đồng/người/tháng. Một ngân hàng thương mại nhà nước khác, năm vừa qua sử dụng hơn 25.000 lao động với lương bình quân hơn 31 triệu đồng/người/tháng; hơn 20 người quản lý cao hơn lương trung bình người lao động.
Tại Công ty mẹ - Tập đoàn Hoá chất (Vinachem), năm vừa qua đơn vị đang sử dụng 146 lao động với lương bình quân 30 triệu đồng/người/tháng, với 9 người quản lý chuyên trách nhận lương bình quân hơn 66 triệu đồng/người/tháng. Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), sử dụng 342 lao động với lương bình quân 13,6 triệu đồng/người/tháng, với 10 người quản lý nhận lương bình quân 41 triệu đồng/người/tháng.
Tổng Công ty Thuốc lá (Vinataba), năm vừa qua, lương bình quân của 503 lao động đạt 24 triệu đồng/người/tháng, lương bình quân của 10 người quản lý chuyên trách nhận hơn 57 triệu đồng/người/tháng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2022 sử dụng 4.800 lao động, với mức thu nhập bình quân hơn 26 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân của 14 người quản lý chỉ hơn 32 triệu đồng/người/tháng (bằng 1 nửa năm 2021).
Đánh giá về cơ chế trả lương hiện hành, lãnh đạo EVN cho hay, do cơ chế tiền lương doanh nghiệp Nhà nước áp dụng chung, chưa xét đặc thù nên chưa phản ánh hết thực tế. Với EVN, lương của người quản lý xác định theo lương cơ bản, áp dụng từ năm 2013 tới nay, trong khi lạm phát, lương người lao động tăng qua các năm, nên xảy ra tình trạng khi có lãi, lương của người quản lý thấp hơn lương người lao động.
Bổ sung hệ số tăng thêm từ 1,5 - 2,5 lần lương cơ bản
Tại Dự thảo Tờ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 51 và 52/2016 về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cho rằng, hiện lương người lao động do doanh nghiệp quyết định, gắn với năng suất, hiệu quả kinh doanh. Lương người quản lý doanh nghiệp do Chính phủ quy định, căn cứ theo lương cơ bản, hệ số, hạng doanh nghiệp và kết quả kinh doanh, áp dụng từ năm 2013 tới nay.
Nếu đạt kế hoạch kinh doanh, lương lãnh đạo doanh nghiệp tối đa 72 triệu đồng/người/tháng; nếu kinh doanh vượt kế hoạch, lương tối đa được 86,4 triệu đồng/tháng.
Thực tế trên dẫn tới sự chia cắt và mất cân đối trong hệ thống thang, bảng lương của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp thiệt thòi so với người lao động. Lương của người lao động tăng hằng năm theo sự phát triển của doanh nghiệp, còn lương lãnh đạo không đổi suốt thời gian qua, nên có trường hợp lương của người quản lý cấp cao thấp hơn lương của trưởng/phó phòng trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, lương người quản lý doanh nghiệp tính theo lợi nhuận , nhưng không phải lúc nào lợi nhuận năm sau cũng cao hơn năm trước, nên dù doanh nghiệp có lãi nhưng mức thấp hơn năm trước sẽ không được tăng lương (chỉ hưởng lương cơ bản).
Từ những bất cập trên, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 51, 52/2016 được Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội xây dựng theo hướng, tiếp tục giao doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương người lao động gắn với hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thang bảng lương này phải lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động, đối thoại tại nơi làm việc, công khai tại doanh nghiệp.
Với lương lãnh đạo doanh nghiệp, dự thảo bỏ hệ số lương người quản lý theo xếp hạng doanh nghiệp do Chính phủ ban hành, chỉ quy định mức lương cơ bản và hệ số tăng thêm theo kết quả kinh doanh, chỉ phân hạng theo nhóm ngành nghề, thang lợi nhuận tương ứng.
Theo đó, lương cơ bản của người quản lý theo hạng doanh nghiệp vẫn từ 16 đến 36 triệu đồng/người/tháng, nhưng bổ sung hệ số tăng thêm từ 1 - 2,5 lần lương cơ bản theo chỉ tiêu lợi nhuận.
Đối với công ty không có lợi nhuận hoặc lỗ, tiền lương của người quản lý được sửa lại gắn với mức lương cơ bản. Cụ thể, trong khoảng 50% đến dưới 100% mức lương cơ bản, nếu không có lợi nhuận; bằng 50% mức lương cơ bản, nếu lỗ.
Cơ quan soạn thảo tính toán, theo hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua, với hệ số điều chỉnh như trên, nhìn chung, lương của lãnh đạo đa số doanh nghiệp Nhà nước vẫn giữ mức hiện hành (cao nhất 72 triệu đồng/người/tháng).
Nghị định này dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024.
Vì sao chưa tăng lương hưu trong năm 2025?
Chuyển 110.600 tỷ đồng còn dư của năm 2024 sang 2025 để thực hiện mức lương cơ sở