Sau 1 năm liên tục giảm lãi suất huy động, đưa mức lãi suất "chạm đáy" lịch sử, tháng 4/2024, 16 nhà băng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Liệu đây có phải tín hiệu của sự thay đổi lớn trong nền kinh tế?
Sau những năm tháng liên tục giảm lãi suất huy động, đưa mức lãi suất "chạm đáy" lịch sử, trong tháng 4/2024, nhiều nhà băng "lật ngược dòng chảy" điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm cả kỳ hạn ngắn và dài. Đáng chú ý, có những nhà băng điều chỉnh tăng lãi suất đến 2 lần liên tiếp. Và đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 1 năm qua, số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất lại lớn như vậy.
16 nhà băng "đảo chiều" tăng lãi suất huy động
Tính đến ngày 30/4, có tới 16 ngân hàng "đảo chiều" tăng lãi suất tiết kiệm gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, ACB.
Theo đó, VPBank và KienLong Bank là ngân hàng có 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn.
OceanBank là ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất tại tất cả các kỳ hạn với mức tăng trung bình từ 0,1-0,9%/năm. Sau lần điều chỉnh này, thị trường bắt đầu ghi nhận mốc lãi suất trên 6%/năm quay trở lại khi OceanBank nâng mức lãi suất ở kỳ hạn 36 tháng lên 6,1%/năm.
KienLong Bank điều chỉnh tăng từ 0,1-0,3 điểm % đối với các kỳ hạn tiền gửi từ 6-13 tháng. Đây là lần thứ hai kể từ đầu tháng 4, nhà băng này tăng lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,3 điểm % lên 4,7%/năm; kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng tăng thêm 0,2 điểm % lên 5%/năm và 5,2%/năm. Với việc điều chỉnh lãi suất, KienLong Bank trở thành ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất các kỳ hạn từ 6-12 tháng.
VietinBank là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big 4 điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, nhà băng này chỉ tăng lãi suất tiết kiệm dành cho khách hàng có khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng. Theo đó, ở kỳ hạn 1-11 tháng, mức tăng trung bình 0,2 điểm %. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1-2 tháng tăng lên 1,9%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng là 2,2%/năm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng đến dưới 11 tháng là 3,2%/năm. Đáng chú ý, lãi suất các kỳ hạn 24-36 tháng quay trở lại mốc 5%/năm.
Sau VietinBank, BIDV là 'ông lớn' tiếp theo trong nhóm Big4 tăng lãi suất huy động trong vòng hơn 1 năm qua, với 0,2 điểm % cho các kỳ hạn 1-11 tháng kể từ ngày 25/4. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1-2 tháng tăng lên 2%/năm, 3-5 tháng lên 2,3%/năm, 6-11 tháng lên 3,3%/năm. BIDV giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại. Lãi suất kỳ hạn 11-18 tháng là 4,7%/năm, 24-36 tháng là 4,8%/năm.
Đây có phải tín hiệu của sự thay đổi lớn trong nền kinh tế?
Trước tháng 4/2024, thị trường hầu hết chỉ ghi nhận làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm tại các nhà băng. Đến nửa cuối tháng 3, hệ thống bắt đầu ghi nhận 4 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tại một số kỳ hạn.
Tuy nhiên, đến tháng 4 "lật ngược dòng chảy", 16 ngân hàng "cất cánh" tăng lãi suất tiết kiệm, các chuyên gia cho rằng, lãi suất đã chạm đáy và bắt đầu đi lên. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng đưa ra dự báo về sự tăng nhẹ trở lại của lãi suất tiết kiệm.
Theo các chuyên gia phân tích, lãi suất tiết kiệm thấp trong khi giá vàng, giá USD tăng mạnh, thị trường bất động sản dần hồi phục là lý do khiến người dân chuyển một phần tiền sang các kênh đầu tư này. Thực tế, số liệu tăng trưởng tín dụng quý I chỉ ở mức 0,26% - thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là lý do khiến một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm để hút dòng tiền trở lại.
Chia sẻ với báo Dân Việt gần đây, Chuyên gia Kinh tế - Tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh cho biết, sẽ không ngạc nhiên nếu 1 vài tháng tới lãi suất tiết kiệm tăng.
"Năm 2020, 2021 ngành ngân hàng đã lãi đậm vì giảm nhanh lãi suất huy động, nhưng lãi vay giảm chậm. Thế nhưng, năm nay tình hình chắc sẽ khác. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu 1 vài tháng tới lãi suất tiết kiệm tăng và NIM của ngành ngân hàng giảm", ông Linh nói.
Khác với 2 năm 2022 và 2023, tỷ giá đã "nóng" ngay từ đầu năm 2024. Tính từ đầu năm, tỷ giá đã tăng 4,44%. Nếu tính từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu phát hành tín phiếu để hút thanh khoản nhằm hỗ trợ tỷ giá (ngày 11/3), tỷ giá đã tăng 2,65%.
Làm rõ nguyên nhân, Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh nhìn nhận, lãi suất rất thấp là lý do chính khiến tỷ giá tăng; đặc biệt lãi suất huy động đối với tiền đồng hiện đã thấp hơn thời điểm Covid năm 2020-2021. Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng USD-VND đã ở trạng thái dương kể từ đầu năm 2023.
Để kiểm soát tỷ giá, Chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh đề cập tới việc tăng lãi suất VND. Động thái can thiệp bằng lãi suất để giữ tỷ giá của NHNN đã nằm trong dự đoán của thị trường. Do đó, lãi suất trúng thầu trái phiếu kho bạc và lợi tức trái phiếu trên thị trường thứ cấp đều đã tăng từ tuần trước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, để kiểm soát tỷ giá nếu chỉ dùng tín phiếu và công cụ trên thị trường liên ngân hàng trong năm 2024 thì khả năng cao là không đủ. Bởi thời điểm này khác với tháng 9/2023.
Theo ông Linh, thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) không đủ, phải dùng đến thị trường 1 (thị trường dân cư), tức là tăng lãi suất "tiết kiệm dân cư" như hồi quý III/2022.
Ông nhấn mạnh: "Tăng lãi suất tiết kiệm dù vướng định hướng hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác. Bởi, ổn định tỷ là là ưu tiên đầu tiên trong điều hành chính sách tiền tệ".
Hai là, tăng lãi suất tiết kiệm không có nghĩa tăng lãi suất cho vay. Song, để hỗ trợ tăng trưởng thì mấu chốt nằm ở lãi suất cho vay.
Một ngân hàng không chi nhánh tăng 'đột phá' lãi suất tiết kiệm tháng 4/2024
TPBank và KienlongBank gia nhập 'câu lạc bộ' tăng lãi suất huy động