Lệ phí đăng ký xe ô tô tăng gấp 20 lần đối với 2 địa phương vừa sáp nhập
Sự điều chỉnh được quy định trong Thông tư số 71/2025/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/7.
Từ ngày 1/7/2025, người dân tại Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) sẽ phải chi trả lệ phí đăng ký xe ô tô con lần đầu lên tới 20 triệu đồng, thay vì mức 1 triệu đồng trước đây. Sự thay đổi đột ngột này đến từ việc hai địa phương nói trên chính thức hợp nhất hành chính với TP.HCM và áp dụng mức thu theo khu vực I – nơi có khung phí cao nhất cả nước.
Sự điều chỉnh được quy định trong Thông tư số 71/2025/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/7. Văn bản này sửa đổi, bổ sung một số quy định về phí và lệ phí, trong đó phân vùng lại địa bàn hành chính để áp dụng mức thu mới cho việc cấp đăng ký và biển số phương tiện giao thông.
Cụ thể, khu vực I gồm toàn bộ địa bàn TP.HCM và Hà Nội, bao gồm cả nội và ngoại thành. Khu vực II là các địa phương còn lại, bao gồm đặc khu trực thuộc tỉnh và các tỉnh/thành phố trung ương không thuộc khu vực I.
Theo đó, mức lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số cho xe ô tô con dưới 9 chỗ tại khu vực I – tức cả TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) sau sáp nhập – sẽ là 20 triệu đồng/lần cấp. Trong khi đó, khu vực II vẫn giữ mức phí cũ là 200.000 đồng.
Đối với xe mô tô, mức thu phân theo giá trị xe và khu vực:
Xe máy dưới 15 triệu đồng: 1 triệu đồng (khu vực I), 150.000 đồng (khu vực II)
Từ 15–40 triệu đồng: 2 triệu đồng (khu vực I), 150.000 đồng (khu vực II)
Trên 40 triệu đồng: 4 triệu đồng (khu vực I), 150.000 đồng (khu vực II)
Một điểm đáng chú ý khác là đặc khu Côn Đảo – vốn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu – không nằm trong khu vực I mà vẫn thuộc khu vực II, do đó không bị ảnh hưởng bởi mức phí mới này.
Bộ Tài chính cũng quy định rõ, tổ chức hoặc cá nhân có nơi cư trú hoặc trụ sở tại địa phương nào thì nộp lệ phí theo mức áp dụng của khu vực tương ứng. Trường hợp trúng đấu giá biển số đẹp, mức lệ phí được tính theo khu vực đăng ký biển số.
Việc tăng lệ phí lên gấp 20 lần đã khiến nhiều người dân tại các địa phương vừa sáp nhập không khỏi bất ngờ. Mặc dù động thái này phù hợp với định hướng quản lý hành chính và phát triển hạ tầng giao thông, song cũng làm tăng đáng kể chi phí sở hữu xe cá nhân – vốn đã bao gồm nhiều loại thuế, phí khác như lệ phí trước bạ, phí bảo trì đường bộ, phí kiểm định…