Hai tỷ phú tự thân huyền thoại Warren Buffett, Bill Gates hay “ông vua cơ sở hạ tầng” Ấn Độ Gautam Adani đều đầu tư lớn vào lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, trên thực tế, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã mang lại cho các tỷ phú những khoản thu bền vững, không bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Đơn vị tư vấn First Sentier Investors đánh giá, đây là những hạng mục cơ sở hạ tầng cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội. Tuy bước đầu tham gia thị trường sẽ khó nhưng có thể dự đoán được tăng trưởng cơ cấu và dòng tiền.
Được các tỷ phú mạnh tay rót tiền
Tại khu vực Bắc Mỹ, cả hai tỷ phú Warren Buffett và Bill Gates đều là những nhà đầu tư lớn vào các công ty cơ sở hạ tầng nói chung, đặc biệt là các hạng mục như đường sắt vận tải hàng hóa, dịch vụ hậu cần, năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên và sân bay.
Đế chế cơ sở hạ tầng Berkshire Hathaway (BRK) của Warren Buffett tạo ra khoảng 15% lợi nhuận từ danh mục tài sản cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý là Burlington Northern Santa Fe (BNSF) - nhà khai thác đường sắt vận chuyển hàng hóa lớn nhất ở Mỹ; BHE Pipeline Group - công ty vận hành ba hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, vận chuyển hơn 18% tổng lượng khí đốt giữa các tiểu bang ở Mỹ và sở hữu 25% cổ phần của cảng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Cove Point…
Với Bill Gates, các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của ông được thực hiện qua quỹ đầu tư trị giá 50 tỷ USD mang tên Cascade Investment LLC4.
Quỹ này đầu tư khoảng 50% vốn vào 5 công ty cơ sở hạ tầng lớn, chẳng hạn như: Sở hữu 9% cổ phần tại công ty Đường sắt Quốc gia Canada7 (CNR) - tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa lớn thứ năm của Canada và lớn thứ năm của Mỹ; 17% nắm giữ tại Signature Aviation (SIG), nhà điều hành sân bay tư nhân lớn nhất ở Mỹ…
Còn tại Ấn Độ, sau hai thập kỷ xây dựng đế chế kinh doanh tập trung vào than đá, tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani hiện đang nhìn xa hơn nhiên liệu hóa thạch để củng cố tương lai của tập đoàn. Ông Adani đã nổi lên thành “ông vua cơ sở hạ tầng” của Ấn Độ, đa dạng hóa từ đầu tư vào mỏ, cảng, nhà máy điện sang đường sá, sân bay, trung tâm dữ liệu và quốc phòng.
Trong vòng chưa đầy hai năm (tính đến tháng 3/2021), ông Adani đã giành quyền kiểm soát 7 sân bay và gần một phần tư lưu lượng hàng không của Ấn Độ.
Trong năm 2020, dù lúc đó thế giới đang ở đỉnh điểm của đại dịch, sáu đơn vị trực thuộc tập đoàn Adani đã mang về 79 tỷ USD giá trị thị trường cho tập đoàn này. Con số này chỉ đứng sau hai đế chế kinh doanh lớn nhất của Ấn Độ là tập đoàn Tata và Reliance Industries Ltd của Mukesh Ambani.
Công ty của ông Adani cũng hút vốn đầu tư của các tên tuổi lớn thế giới như hãng dầu mỏ Total SE của Pháp và công ty Warburg Pincus LLC. Cụ thể, Warburg đã đầu tư 110 triệu USD vào cảng và đặc khu kinh tế Adani trong tháng 3/2021 và Total đã nâng tổng số tiền đầu tư vào Adani Green lên 2,5 tỷ USD.
Vào tháng 3/2021, ông Adani đã giành được hợp đồng đồng phát triển một bến cảng ở Sri Lanka, nước láng giềng mà Ấn Độ đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng.
Theo India Times, cuối tháng 3 năm nay, tập đoàn của Adani cũng nhận dược quyền xây dựng một phần đường cao tốc quốc gia Highway 48. Tính cả dự án này, danh mục đầu tư đường bộ của tập đoàn Adani gồm 14 dự án với hơn 5.000km đường trải khắp 10 bang của Ấn Độ.
Tại Việt Nam, tập đoàn Adani cũng đang có kế hoạch hợp tác với công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát để phát triển Cảng Liên Chiểu.
Hạ tầng giao thông có gì hấp dẫn?
Tại khu vực Bắc Mỹ, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng của hai tỷ phú Buffett và Gates cũng có nhiều đặc điểm giống nhau là đã tạo ra thu nhập và hiệu suất đầu tư cao.
Đầu tiên, các công ty hạ tầng thường có lợi thế độc quyền về mặt khu vực hoặc loại dịch vụ mà họ cung cấp, từ đó gia tăng đảm bảo về lợi nhuận và chi phí vốn trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao.
Thứ hai, bản chất là dịch vụ thiết yếu cho xã hội của các công ty cơ sở hạ tầng cũng tạo ra nhu cầu và dòng tiền ổn định, có thể dự đoán được bởi người dân luôn cần năng lượng, cần hạ tầng tốt để vận chuyển hàng hóa, đi lại.
Thứ ba, các công ty hạ tầng có rất nhiều cơ hội tiếp cận với các chiến lược tăng trưởng cơ cấu tích cực trong dài hạn. Ví dụ, các công ty điện sẽ được tiếp xúc nhanh với quá trình phát triển công nghệ, hướng tới sản xuất điện dựa vào năng lượng tái tạo không có carbon.
Hay các tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa, theo ông Barry Prentice, Giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Manitoba, đường sắt là khoản đầu tư phổ biến của những người giàu có vì đó là nguồn tài sản hiện hữu rõ ràng và là hàng rào tốt chống lại lạm phát.
Chia sẻ về việc mua lại BNSF, trong một cuộc phỏng vấn của CNBC năm 2009, ông Warren Buffett cũng nói: “Tôi đã cảm nhận các doanh nghiệp này sẽ đan xen với nền kinh tế Mỹ theo cách mà nếu nền kinh tế Mỹ phát triển thì doanh nghiệp cũng sẽ phát triển. Các tuyến đường sắt là kênh vận tải cần thiết và luôn được đảm bảo hoạt động, luôn được vận hành bất kể chuyện gì xảy ra”.
Còn tại một quốc gia đang đẩy nhanh tốc độ phát triển như Ấn Độ, các dự án cơ sở hạ tầng giao thông cũng là điều được chính phủ quan tâm.
Theo Bloomberg, Thủ tướng Ấn Độ Modi coi những dự án hạ tầng về sân bay hay trung tâm dữ liệu là rất quan trọng về mặt kinh tế. Do đó, chiến lược đầu tư về mảng này của ông Adani đã mang lại kết quả tốt khi kết hợp lợi ích của mình với chương trình phát triển của chính phủ.