Lộ diện 4 tuyến đường 22.600 tỷ quan trọng bậc nhất kết nối TP. HCM với siêu sân bay lớn nhất Việt Nam
Những tuyến đường này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh thành với sân bay Long Thành.
Hiện nay tiến độ dự án sân bay lớn nhất Việt Nam là sân bay Long Thành ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành đang được đẩy nhanh, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2026. Tỉnh Đồng Nai cũng đang đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường quan trọng kết nối vào sân bay Long Thành. Quan trọng nhất là những tuyến đường 770B, 773, 769, đường liên cảng Nhơn Trạch kết nối từ TP. HCM đến sân bay Long Thành với tổng số vốn 22.600 tỷ đồng.
Dự án đường tỉnh 770B
Một trong những tuyến đường qua huyện Long Thành sắp được nâng cấp mở rộng. Ảnh: HAC
Dự án đường tỉnh 770B dài hơn 42km, có điểm đầu tuyến giao với đường tỉnh 763 tại xã Suối Nho, huyện Định Quán và điểm cuối tuyến giao với Quốc lộ 51 tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, có lộ giới 60m, với 4-8 làn xe.
Đây là tuyến đường sẽ được đầu tư xây dựng mới với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 3.300 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện là nguồn vốn ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2027.
Tuyến đường tỉnh 770B được đầu tư xây dựng kết nối giữa các huyện phía Đông, Đông Bắc của tỉnh với sân bay Long Thành và các khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn, Bàu Cạn - Tân Hiệp, kết nối tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51 và khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
>> Ghé thăm 'vịnh Hạ Long của Tây Nguyên', tham quan hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á
Dự án Nâng cấp mở rộng đường tỉnh 773
Dự án nâng cấp mở rộng đường tỉnh 773 có chiều dài hơn 39km, dự án có điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc và điểm cuối tuyến đến hương lộ 10 giao với đường Vành đai 4 - TP. HCM được quy hoạch xây dựng với quy mô từ 6-8 làn xe.
Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 4.300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh (nguồn đấu giá đất). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2027. Đường tỉnh 773 là tuyến đường đi song song và chia sẻ lưu lượng cho tuyến Quốc lộ 1. Đây cũng là trục giao thông quan trọng kết nối huyện Xuân Lộc, huyện Cẩm Mỹ, TP. Long Khánh với sân bay Long Thành.
Dự án Nâng cấp mở rộng đường tỉnh 769
Dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 có tổng chiều dài gần 30km, đi qua địa bàn các huyện Thống Nhất và Long Thành, có điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 1 tại ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất và điểm cuối giao với Quốc lộ 51 tại ngã tư Lộc An, huyện Long Thành. Tổng mức đầu tư dự án hơn 6.200 tỷ đồng.
Đây là tuyến đường đi song song và chia sẻ lưu lượng cho tuyến Quốc lộ 1. Đây cũng là trục giao thông quan trọng giúp đảm bảo lưu thông giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên, kết nối với sân bay Long Thành.
Dự án đường liên cảng huyện Nhơn Trạch
Dự án này giai đoạn 1 có chiều dài gần 9km có tổng mức đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công, trong đó ngân sách Trung ương khoảng 2.000 tỷ đồng, phần vốn còn lại từ ngân sách tỉnh Đồng Nai, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc vận chuyển hàng hóa, liên kết một số cảng ở huyện Nhơn Trạch với sân bay Long Thành…
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ triển khai của các dự án này đều đang bị chậm. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ các dự án liên quan đến vấn đề quy hoạch. Các quy hoạch liên quan chưa đồng bộ nên chưa đủ điều kiện để phê duyệt dự án. Ngoài ra, các dự án chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục đấu giá đất liên quan tại các khu đất lợi thế để tạo vốn cho dự án.
Trong tháng 7/2024, Ban QLDA đã có tờ trình gửi Sở KH & ĐT thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Các đơn vị liên quan cũng đang triển khai hồ sơ, thủ tục cần thiết cho dự án.
Ngoài ra, Sở GTVT TP. HCM đề xuất 3 phương án vận tải khách bằng đường thủy kết nối TP. HCM với sân bay Long Thành.
Phương án thứ nhất là vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc bến Bạch Đằng (quận 1, TP. HCM) - bến du thuyền SwanBay (Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Phương án thứ 2 sẽ vận chuyển hành khách, ô tô bằng bến phà ngang sông từ Bình Khánh (Nhà Bè, TP. HCM) qua Nhơn Trạch (Đồng Nai) bằng cách xây mới cầu bến phía Nhơn Trạch và đầu tư khoảng 500m đường vào bến.
Phương án thứ 3, các đơn vị tính toán tăng công suất khai thác phà Cát Lái để đáp ứng nhu cầu đi lại.
>> 10 trường học, 6 bệnh viện và loạt trụ sở tại Hà Nội vào danh sách chưa nghiệm thu PCCC