Lộ diện ‘siêu’ công trình điện mặt trời cao nhất thế giới ở độ cao hơn 5.000m: Được trang bị hơn 170.000 tấm pin, dự kiến tạo ra 155 triệu kWh điện xanh mỗi năm
Nhà máy này sẽ giúp tiết kiệm 46.800 tấn than và giảm phát thải 129.400 tấn CO2 hàng năm, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Nhà sản xuất điện Trung Quốc China Huadian Corporation đang triển khai giai đoạn 2 của Nhà máy điện lưu trữ năng lượng mặt trời Caipeng tại khu vực Sơn Nam, Tây Tạng. Nhà máy này nằm ở độ cao 5.228m, trở thành nhà máy điện mặt trời cao nhất thế giới, vượt qua giai đoạn 1 đã hoàn thành ở độ cao 5.100m. Theo Interesting Engineering ngày 21/12, dự án này chứng minh khả năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.
Giai đoạn 2 của nhà máy Caipeng sẽ bao phủ khu vực rộng 1,4km2, gia tăng 100MW công suất so với giai đoạn 1 với 50MW đã hoàn thành vào tháng 12/2023. Hai giai đoạn kết hợp nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện theo mùa tại khu vực trung tâm Tây Tạng trong mùa đông và mùa xuân.
Quá trình xây dựng giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 8/2024. Nhờ áp dụng các giá đỡ lắp đặt sẵn và dây chuyền lắp ráp tại chỗ, PowerChina, nhà thầu của dự án, đã hoàn thành công trình trong 115 ngày, sớm hơn 42 ngày so với kế hoạch. Những phương pháp này giúp tăng hiệu quả xây dựng lên 40% bất chấp môi trường cao nguyên đầy thách thức.
Dự án sử dụng các tấm pin hai mặt loại N (TOPCon) với hiệu suất chuyển đổi cao và khả năng khai thác tính phản xạ tuyết ở khu vực, giúp cải thiện sản xuất điện. Theo PowerChina, loại pin này hiệu quả hơn 7,5% so với pin thông thường. Các module cao cấp thu nhận ánh sáng mặt trời phản chiếu từ nền đất, tăng cường đáng kể sản xuất năng lượng. Kết quả, hiệu suất tổng thể tăng 20% so với các tấm pin mặt trời một mặt truyền thống, cho phép tối đa hóa tiềm năng sẵn có của ánh sáng Mặt Trời.
Nhà máy có tổng công suất 150MW, bao gồm 170.000 tấm pin quang điện và hệ thống lưu trữ năng lượng 20MW/80MW. Cách bố trí này được thiết kế để cung cấp 80.000kWh điện trong thời gian lên tới 4 giờ sau khi trời tối, giúp giải quyết tình trạng thiếu điện ở trung tâm Tây Tạng. Hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin 20MW/80MW (BESS) từ Sungrow trang bị công nghệ lưu trữ tế bào gốc tiên tiến, cho phép điện áp siêu nhanh, điều hòa tần số cũng như ổn định lưới điện. Với công nghệ làm mát bằng chất lỏng và AI quản lý nhiệt, hệ thống cải thiện độ an toàn và hiệu suất.
Theo The People, dự án dự kiến tạo ra 155 triệu kWh điện xanh mỗi năm. Thành tựu này tương đương với việc tiết kiệm 46.800 tấn than và giảm phát thải 129.400 tấn carbon dioxide hàng năm, góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Công nghệ pin hai mặt không chỉ nâng cao hiệu suất trong điều kiện bình thường mà còn phát huy tối đa khả năng hấp thụ ánh sáng từ các bề mặt phản chiếu như tuyết. Đặc biệt, trong những môi trường độ cao lớn như Tây Tạng, nơi ánh sáng mặt trời mạnh hơn, công nghệ này trở thành giải pháp lý tưởng, giúp tối ưu hóa nguồn năng lượng và tận dụng triệt để các điều kiện tự nhiên để sản xuất điện sạch.
Theo Interesting Engineering, The People