Lộ vị trí làm hầm đường bộ cao nhất Việt Nam, tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng

22-01-2024 13:30|Yên Hoàng

Hầm đường bộ này dự kiến được khởi công vào quý II/2024 tới đây.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa (Lào Cai) với huyện Tam Đường (Lai Châu) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.

Hầm Hoàng Liên có chiều dài khoảng 8,8km (trong đó 2,5km là tuyến hầm), với 4,65km thuộc địa phận tỉnh Lai Châu và 4,15km thuộc địa phận tỉnh Lào Cai.

Điểm đầu dự án kết nối với quốc lộ 4D tại Km78 thuộc khu vực huyện Tam Đường, điểm cuối kết nối vào trục đường D1 theo Quy hoạch chi tiết Khu dân cư tổ 13 phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa.

Công trình hầm gồm 2 ống hầm cách nhau dự kiến 30m, chiều dài mỗi ống hầm 2,5km, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm xuyên núi của Nhật Bản, kết hợp với tiêu chuẩn TCVN (hầm đường sắt và hầm đường ô tô - quy phạm thi công, nghiệm thu).

Trên tuyến sẽ xây dựng 10 cầu (địa phận tỉnh Lai Châu 6 cầu và Lào Cai 4 cầu).

Sau khi đưa vào sử dụng dự án hầm Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa với huyện Tam Đường tại đèo Hoàng Liên (độ cao đèo trên 2.094m so với mực nước biển) sẽ thay thế được 22km đường đèo nguy hiểm nhất trên tuyến quốc lộ 4D. Đây sẽ là hầm đường bộ cao nhất Việt Nam.

Du thuyền triệu USD của FLC thông báo đấu giá lần thứ 7
Dự án hầm Hoàng Liên nhìn trên bản đồ

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Lai Châu được giao làm chủ đầu tư dự án này với tổng mức đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng. Trong đó, chi phí mặt bằng là 119 tỷ đồng; chi phí xây dựng chiếm 2.207 tỷ đồng; chi phí thiết bị 340 tỷ đồng; chi phí tư vấn, quản lý dự án 204 tỷ đồng và chi phí dự phòng 430 tỷ đồng.

Dự kiến trong quý I/2024 dự án sẽ hoàn thành phê duyệt đầu tư, quý II/2024 phê duyệt thiết kế kỹ thuật và đền bù giải phóng mặt bằng. Giai đoạn quý II/2024-quý III/2028 khởi công dự án. Đến hết quý IV/2028 sẽ hoàn thành dự án. Thời gian thi công dự án dự kiến 4 năm.

Năm 2023, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công.

Hầm Hoàng Liên sẽ mang đến những gì?

Du thuyền triệu USD của FLC thông báo đấu giá lần thứ 7
Đèo Hoàng Liên

Theo đánh giá của chủ đầu tư, dự án hầm Hoàng Liên khi hoàn thành sẽ tạo đột phá về hạ tầng giao thông huyết mạch kết nối tỉnh Lai Châu với các hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội và tam giác tăng trưởng Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Sau khi đưa vào sử dụng, dự án hầm Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa với huyện Tam Đường tại đèo Hoàng Liên sẽ thay thế được 22km đường đèo nguy hiểm nhất trên tuyến Quốc lộ 4D. Thời gian di chuyển qua đèo từ khoảng 50 phút với ô tô con và 2 giờ với xe tải chở nặng như hiện nay sẽ được rút ngắn xuống còn 11 phút khi lưu thông qua hầm.

Cùng với đó, thời gian di chuyển giữa TP. Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ chỉ còn khoảng 2 tiếng và loại bỏ được các đoạn đường cong cua nguy hiểm, độ dốc cao qua đoạn đèo Hoàng Liên.

Trong tương lai, khi hoàn thành tuyến đường nối TP. Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai thì đây vẫn là tuyến đường chính yếu ngắn nhất để kết nối các tỉnh Điện Biên, Lai Châu với Sa Pa, Lào Cai và cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Bên cạnh đó, hầm Hoàng Liên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giao thương, phát triển dịch vụ logictics, kinh tế biên mậu, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua cặp cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thuỷ Hà (Trung Quốc).

Dự án sẽ tạo kết nối thuận lợi từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) qua cặp cửa khẩu quốc tế đến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, góp phần thúc đẩy phát triển thông thương giữa hai nước; đồng thời thúc đẩy dịch vụ logictics và xuất nhập khẩu giữa hai cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu, tỉnh Lào Cai và Ma Lù Thàng tỉnh Lai Châu trong trường hợp Trung Quốc điều tiết hàng hóa thông qua chính sách biên mậu.

Ở khía cạnh du lịch, khi có tuyến hầm Hoàng Liên, lượng khách du lịch từ thị xã Sa Pa sang tỉnh Lai Châu và ngược lại dự báo ngày càng tăng, từ đó thu hút được các nhà đầu tư và từng bước định hướng phát triển du lịch cho địa phương.

Ngoài ra, tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ nâng cao lưu lượng khách du lịch từ Sơn La, Điện Biên sang Lào Cai, góp phần đẩy mạnh thông thương hàng hóa từ Lào Cai đi các tỉnh Lai Châu, Điện Biện, Sơn La.

> > Nhà ga cao nhất Việt Nam nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, là tuyến đường sắt răng cưa dài nhất thế giới xuyên qua 5 hầm

Hầm đường bộ 3.700 tỷ đồng dài nhất thế giới, chạy xuyên qua 3 hang núi lớn, trang bị một công nghệ khiến lái xe được chiêm ngưỡng 'bình minh' 3 lần

Hé lộ vị trí xây sân bay tại tỉnh Thái Bình

Hầm đường bộ gần 4.000 tỷ đồng dài thứ ba Việt Nam được ví như ‘công trình sinh thái’ của khu vực Trung Trung Bộ, hoàn toàn do người Việt xây dựng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lo-vi-tri-lam-ham-duong-bo-cao-nhat-viet-nam-tong-von-dau-tu-hon-3000-ty-dong-220769.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Lộ vị trí làm hầm đường bộ cao nhất Việt Nam, tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS & INTECH