Loại cây mọc bờ ruộng chứa chất cản trở tế bào ung thư phát triển
Cây xương khỉ mọc dại ở vùng đất ẩm ướt có nhiều tác dụng cho cơ thể, hỗ trợ điều trị ung thư.
Gia đình tôi có người thân bị ung thư trực tràng đã xạ trị, phẫu thuật được 3 tháng và đang dùng hóa chất. Tôi nghe nói dùng cây xương khỉ có thể giúp tiêu diệt tế bào ung thư nhanh hơn? Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi. Lê Thị Thu Hà (Đông Hưng, Thái Bình)
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Vũ Thành - Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội) tư vấn:
Cây xương khỉ còn gọi là cây bìm bịp, lá cầm, tiểu cốt, liền xương. Cây ưa vùng đất ẩm ướt nên hay mọc ở bờ ruộng, bờ tường, góc vườn. Ở một số nơi, người dân dùng cây xương khỉ làm rau nấu canh. Toàn bộ cây có thể làm thuốc, dùng ở dạng tươi hoặc phơi, sấy khô.
Cây xương khỉ chứa nhiều flavonoid, điều chỉnh hoạt động của tế bào và chống lại các gốc tự do gây ra stress oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa, chống viêm. Ngoài ra, cây còn cung cấp chất xơ, canxi, đạm và chất béo. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy cây xương khỉ có nhiều tác dụng cho sức khỏe.
Đối với bệnh nhân ung thư, y học hiện đại chỉ ra rằng các chất trong cây xương khỉ như flavonoid, glycerol, cerebrosid, glycosid có tác dụng làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư, hỗ trợ cầm máu.
Các trường hợp ung thư giai đoạn sớm có thể sử dụng thêm cây xương khỉ kèm theo các thuốc được bác sĩ kê đơn. Cây giúp giảm tác dụng phụ của xạ trị, hóa chất. Người mắc ung thư tuyệt đối không từ bỏ các quá trình điều trị hiện đại để chỉ dùng cây xương khỉ chữa bệnh.
Ngoài ra, lá xương khỉ giúp nhanh liền sẹo, liền da, điều trị bệnh ngoài da, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tăng men gan, các tổn thương gan do độc chất, cải thiện bệnh lý huyết áp, phong tê thấp, đau nhức xương, gãy xương.
Dù cây xương khỉ là thảo dược nhưng cần dùng đúng liều. Người bị hàn khí xâm nhập như cảm lạnh, chân tay lạnh, phụ nữ có thai không dùng loại cây này. Trong trường hợp người bệnh đang dùng thuốc Tây y, cần liên hệ bác sĩ tư vấn để có hướng dẫn phù hợp.