Xã hội

Loại cây mọc dại ở Việt Nam, nay thành ‘thần dược’ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể, mỗi năm thu về hàng trăm tỷ

Vĩ Hạ 15/05/2025 - 10:43

“Đây là kho tàng quý giá, vừa mang giá trị văn hóa, vừa có ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế – xã hội”, UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định đưa "Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh" (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Loại cây mọc dại ở Việt Nam, nay thành ‘thần dược’ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể, mỗi năm thu về hàng trăm tỷ - ảnh 1
Sâm Ngọc Linh được trồng tự nhiên dưới tán rừng. Ảnh: Internet

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, tri thức dân gian về khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh (dân gian gọi là cây thuốc giấu) gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó loại dược liệu này được xem như một "thần dược" có tác dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe rất tốt.

Sâm Ngọc Linh hiện phân bố ở vùng sinh thái hẹp quanh đỉnh núi Ngọc Linh, dưới tán rừng nguyên sinh thuộc địa phận ba huyện: Nam Trà My (Quảng Nam), Đắk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Tại Quảng Nam, loài sâm quý này mọc tự nhiên ở độ cao từ 1.500m đến 2.100m trên núi Ngọc Linh, tập trung thành từng đám dưới tán rừng già, dọc theo các con suối ẩm, đất nhiều mùn, chủ yếu phân bố tại các thôn thuộc xã Trà Linh, huyện Nam Trà My.

Trong hơn 40 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã khẳng định sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm, nhờ những đặc tính dược lý nổi trội và điều kiện sinh trưởng đặc thù về địa lý.

Trong văn bản đề xuất công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ: tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh là kết quả của quá trình thực hành lâu dài, gắn bó mật thiết với nghề, với núi rừng và với cây sâm. Người dân nơi đây nắm vững đặc tính sinh học của cây, từ đó tích lũy và đúc kết nhiều kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng trong trồng trọt, chăm sóc và chế biến sâm Ngọc Linh.

Loại cây mọc dại ở Việt Nam, nay thành ‘thần dược’ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể, mỗi năm thu về hàng trăm tỷ - ảnh 2
Củ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Internet

Trước kia, khi sâm mọc tự nhiên nhiều ở vùng núi Ngọc Linh, người Xê Đăng thường vào rừng khai thác. Ban đầu, họ đào củ đem về và cắt thành từng đoạn nhỏ để trồng. Sau một thời gian, người dân đúc kết được cách trồng bằng hạt, từ đó chuyển sang nhân giống và trồng tập trung.

Đến nay, cộng đồng địa phương đã xây dựng được quy trình hoàn chỉnh từ trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến. Một số doanh nghiệp cũng đã tham gia chế biến sâm Ngọc Linh theo hướng công nghiệp, tạo ra các sản phẩm đa dạng như kẹo, bánh, trà túi lọc, thực phẩm chức năng…

Kể từ khi nghề trồng sâm phát triển tại huyện Nam Trà My, những người có kinh nghiệm đã chủ động chia sẻ, hướng dẫn cộng đồng cùng trồng sâm. Nhờ vậy, nghề trồng sâm không ngừng được truyền dạy, phát triển và từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật.

Những năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My đã đưa sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực giúp họ thoát nghèo. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ và nhóm hộ cùng tham gia vào quá trình trồng, chế biến sâm. Các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu và áp dụng công nghệ vào trồng, sản xuất và chế biến sâu, trong khi người dân đã ý thức rõ việc trồng sâm phải đi đôi với bảo vệ rừng.

Nghề trồng sâm Ngọc Linh gắn chặt với sinh kế của từng hộ gia đình, nhóm hộ, và vì thế những tri thức dân gian liên quan đến việc khai thác, trồng và chế biến sâm được cộng đồng lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ. “Đây là kho tàng quý giá, vừa mang giá trị văn hóa, vừa có ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế – xã hội”, UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định.

Vùng sâm Ngọc Linh được quy hoạch khoảng 15.000ha tại 7/10 xã của huyện; có hơn 1.250 hộ gia đình tham gia trồng sâm trên diện tích hơn 2.000ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420 đến 600 tỷ đồng/năm. Huyện có hơn 1.500 hộ dân trồng hơn 1.500ha và 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm dưới tán rừng với diện tích hơn 341ha.

>> Loài cây mọc trên đất có kim cương, chỗ nào có cây này có thể chứa 'kho báu'

Hai loài cây đặc biệt quý hiếm được ghi nhận trong Sách đỏ ở điểm Ramsar đầu tiên tại Đông Nam Á của Việt Nam

Không di dời loại cây được mệnh danh ‘vàng lộ thiên’ khỏi vườn hoa Lý Thái Tổ

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/loai-cay-moc-dai-o-viet-nam-nay-thanh-than-duoc-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-moi-nam-thu-ve-hang-tram-ty-142403.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Loại cây mọc dại ở Việt Nam, nay thành ‘thần dược’ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể, mỗi năm thu về hàng trăm tỷ
    POWERED BY ONECMS & INTECH