Loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ duy nhất Việt Nam có nhưng số lượng còn rất ít cần khẩn cấp bảo tồn
Bảo tồn và phát triển loài cây sẽ đem đến những giá trị to lớn về mặt kinh tế và cảnh quan môi trường.
Chai lá cong có tên khoa học là Shorea falcata, là loài cây đặc hữu của Việt Nam. Theo danh mục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới, loài cây này thuộc mức rất nguy cấp, các quần thể của loài này có nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên. Vì vậy, cần có những chính sách, giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt loài cây quý hiếm này.
Theo thống kê của các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Huế), vào năm 2022, chỉ còn 13 cây chai lá cong cổ thụ tại Việt Nam. Nơi còn lại nhiều cây chai lá cong nhất là thị xã Sông Cầu (Phú Yên) với 7 cây. Số còn lại nằm ở khu vực ven biển Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Chai lá cong có thân gỗ lớn, vỏ dày nâu xám, nứt dọc. Loài cây này có lá dài hoặc hình trứng, nửa dưới của phiến lá bị lệch, không đối xứng với nửa trên nên có lẽ vì thế được gọi là chai lá cong.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, chai lá cong được phát hiện tại Phú Yên và được đánh giá có giá trị phòng hộ cao. Gỗ của chai lá cong rất chắc, nếu để khô lâu năm sẽ cứng như sắt. Gỗ chai lá cong thường được sử dụng để làm kèo cột, đóng giường tủ, tàu thuyền,...
Theo Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ thị xã Sông Cầu, ông Tôn Thất Thịnh cho biết, theo các nghiên cứu, cây chai lá cong có giá trị về phòng hộ, môi trường và tạo cảnh quan rất tốt tại các địa phương. Dù trong giai đoạn đầu cây sinh trưởng chậm, chỉ phát triển khoảng 5-6m trong 10 năm đầu, nhưng đây là loài cây thích hợp cho việc tạo hệ sinh thái phát triển và bền vững.
Vì vậy, việc bảo tồn loài cây này là việc làm cấp thiết. Theo Viện Tài Nguyên và Môi trường (Đại học Huế), đây là loài cây cần được bảo vệ, nhân giống trong thời gian tới. Tuy nhiên, những cây lá cong tại thị xã Sông Cầu chưa được bảo vệ một cách bài bản.
Thân cây chai lá cong hơn 100 năm tuổi, có đường kính khoảng 1m - Ảnh: NHẬT HUY |
Theo các chuyên gia, để bảo tồn và phát triển loài cây này có hai phương pháp đó là bảo tồn tại chỗ và bảo tồn bằng cách di chuyển sang nơi khác. Tuy nhiên, với sự quý hiếm của loài cây này, việc bảo tồn và phát triển cần được thực hiện theo cả hai phương pháp để đạt được hiệu quả tối ưu.
Cụ thể, đối với những cây tại chỗ, cơ quan chức năng cần thực hiện bảo tồn về nguồn gen giống cây, bảo vệ cây mẹ. Đồng thời, cũng cần lên kế hoạch để thu hái hạt giống của cây, sau đó nhân giống trồng ở những vị trí cần thiết khác.
Ông Tôn Thất Thịnh cũng cho biết "Chúng ta cần phải có kế hoạch dài hạn để bảo tồn loài cây quý này. Việc đầu tiên phải làm là điều tra hiện trạng phân bố và tìm những loài cây tái sinh còn lại rồi mới thực hiện bảo tồn. Cây chai lá cong phải được bảo tồn nguồn gen và nhân giống để trồng ở những vùng có điều kiện lập địa phù hợp…".
Với những giá trị quý hiếm của chai lá cong, người dân mong muốn chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng khẩn trương có những giải pháp thích hợp để bảo tồn và phát triển loài cây này.
Ông Thịnh nêu ý kiến về tầm quan trọng trong việc bảo tồn loài cây này. “Ở góc độ lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển giống cây quý hiếm như chai lá cong là việc cần làm ngay, hướng đến những giá trị môi trường lâu dài. Nếu các cơ quan chức năng có sự đầu tư, quan tâm đầy đủ và khoa học, chắc chắn việc bảo tồn và phát triển cây chai lá cong sẽ thực hiện được, vì đây cũng là mong muốn của cộng đồng dân cư sinh sống ở ven biển thị Sông Cầu”, ông Thịnh chia sẻ.