Loạt dự án 'đắp chiếu' lâu năm bỗng 'hồi sinh': Giải tỏa 'cơn khát' cho người dân, cơ hội mới cho nhà đầu tư
Việc hàng loạt các dự án ngỡ tưởng "ngủ quên" bất ngờ được "hồi sinh" giữa bối cảnh chung cư "sốt sóng" đã đem đến cơ hội mới cho các nhà đầu tư, giải tỏa "cơn khát" cho phần lớn người dân.
Loạt dự án "đắp chiếu" bất ngờ tái khởi động
Theo bản tin thị trường của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), từ năm 2018 đến nay, đại dịch Covid-19, cùng với chính sách tín dụng và những quyết định kiểm soát thị trường bất động sản từ các cơ quan ban ngành, đã khiến hàng loạt dự án bất động sản bị đình trệ do vướng mắc pháp lý, điều này đặc biệt ảnh hưởng tới nhiều dự án trên cả nước.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sau giai đoạn khó khăn, cùng với sự hồi phục của thị trường, một số dự án bất động sản từng bị "bỏ hoang" đã bắt đầu được tái khởi động và triển khai trở lại. Đặc biệt, các dự án căn hộ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới ở mức cao.
Loạt dự án từng bị "đắp chiếu" đã bất ngờ được tái khởi động. Ảnh minh họa |
Theo VARS, việc tái khởi động các dự án này không chỉ giúp chủ đầu tư tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần giải quyết "cơn khát" về nhà ở cho người dân.
Một loạt các dự án như Astral City (TP. Thuận An, Bình Dương), Hanoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội), QMS Top Tower (Tố Hữu, Hà Nội), The Summit Building (Trần Duy Hưng, Hà Nội) và KĐT Ecity Tân Đức (Đức Hòa, Long An) đã được tháo gỡ nút thắt pháp lý và bắt đầu triển khai trở lại.
Khó khăn phải đối diện trước tình hình mới
VARS cũng đánh giá rằng việc tái khởi động các dự án bị đình trệ đang và sẽ được thúc đẩy nhờ sự hỗ trợ từ Chính phủ và khối doanh nghiệp tư nhân, thông qua hoạt động M&A (mua bán, sáp nhập) dự án.
Đặc biệt, theo quy định mới, các dự án "án binh bất động" liên tục trong 48 tháng sẽ đối mặt với nguy cơ bị thu hồi đất mà không được bồi hoàn. Điều này đã khiến các chủ đầu tư nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải gấp rút triển khai các dự án của mình.
Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều điều chỉnh chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm giảm thuế, nới lỏng quy định vay vốn và cải thiện môi trường pháp lý. Ba bộ luật quan trọng liên quan đến đất đai đã được đưa vào hiệu lực sớm hơn 5 tháng với nhiều quy định tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.
Tuy nhiên, việc tái khởi động các dự án không phải là điều dễ dàng. Nhiều dự án phải đối mặt với cơ sở hạ tầng xuống cấp sau thời gian dài bị đình trệ, kéo theo chi phí phục hồi rất lớn.
Áp lực tài chính là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, thậm chí khi pháp lý đã được giải quyết. Những chi phí phát sinh trong giai đoạn đình trệ cũng làm "ăn mòn" lợi nhuận theo kế hoạch ban đầu.
Chờ được "gỡ vướng"
VARS cho rằng để tái khởi động các dự án thành công, doanh nghiệp cần tính toán kỹ lưỡng, chấp nhận mức lợi nhuận thấp hoặc thậm chí lỗ để giải quyết dứt điểm các tồn đọng. Ưu tiên chính là duy trì và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh hơn là tập trung tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn hạn.
Việc kết hợp với các đối tác, nhất là thông qua M&A, cũng là một phương án giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính. Đặc biệt, nếu hợp tác với các đối tác chất lượng, các doanh nghiệp có thể mở ra những cơ hội mới và đảm bảo lợi ích kinh tế trong tương lai.
Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và triển khai các chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp tái khởi động các dự án bất động sản.
Điều này sẽ giúp giảm áp lực nguồn cung nhà ở và đưa giá bất động sản xuống mức hợp lý hơn với người dân. VARS khuyến nghị cần có sự thống kê, phân loại rõ ràng các dự án còn vướng mắc, đồng thời đưa ra các tiêu chí ưu tiên xử lý, dựa trên quy mô và mức độ ảnh hưởng của dự án đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
>> Có gì bên trong tượng đài 'Con tàu tập kết ra Bắc' gần 80 tỷ ở Thanh Hóa?
Vì sao Cà Mau chưa thể tổ chức đấu giá 18 khu đất công?
TP. HCM xem xét không cho phân lô bán nền tại 5 huyện ngoại thành