Loạt dự án giao thông 'khủng' đang dần hình thành tại TP có cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam
Bộ Giao thông vận tải dự kiến triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm tại Hải Phòng trong thời gian tới, nhằm tăng cường kết nối hệ thống giao thông của thành phố với các tỉnh lân cận.
Thời gian qua, TP. Hải Phòng đang triển khai hàng loạt dự án công trình trọng điểm. Các dự án bao gồm: Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, bến tàu Lạch Huyện và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Trong số đó, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 11 tỷ USD với chiều dài khoảng 380km đường đôi, khổ 1.435mm. Đoạn Hà Nội - Hải Phòng dự kiến sẽ được đầu tư trước năm 2030, trong khi đoạn Hà Nội - Lào Cai sẽ triển khai sau năm 2030.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang tiến hành lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án này. Dự kiến, tổng mức đầu tư khoảng 11 tỷ USD sẽ được trình Quốc hội quyết định chủ trương vào năm 2025 với mục tiêu khởi công vào năm 2027.
Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có chiều dài khoảng 109km, quy mô 4 làn xe và được lên kế hoạch đầu tư trước năm 2030. Hiện tại, các đoạn tuyến trên tuyến cao tốc này đã được giao cho địa phương làm chủ quản/cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đầu tư.
Tuy nhiên, khoảng 6km trên địa bàn TP. Hải Phòng vẫn chưa được triển khai do gặp khó khăn về nguồn vốn. Dù đã có Báo cáo chủ trương đầu tư, đoạn này vẫn chưa thể bố trí vốn để triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
>> Huyện sắp lên quận Thủ đô Hà Nội đấu giá 11 thửa đất, giá cao nhất gấp 1,6 lần khởi điểm
Về dự án nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 với công suất 5 triệu hành khách/năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư 2.405 tỷ đồng.
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã phê duyệt dự án vào tháng 8/2023, dự kiến hoàn thành trong 18 tháng kể từ khi bàn giao mặt bằng thi công.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đang chuẩn bị đầu tư thêm các dự án khác tại Cát Bi như xây dựng nhà ga hàng hóa và mở rộng sân đỗ máy bay (giai đoạn 2).
Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã có các đường bay quốc tế đến Seoul, Bangkok, Quảng Đông và các đường bay nội địa đến Đà Lạt, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh, TP. HCM.
Ngoài ra, các dự án nâng cấp tuyến đường thủy chính cũng đang được ưu tiên đầu tư để tăng cường năng lực vận tải, góp phần giảm tải cho hệ thống đường bộ, thúc đẩy kinh tế vùng và liên vùng.
Một dự án đáng chú ý khác là bến cảng container Lạch Huyện. Khu bến cảng này đang được đầu tư xây dựng với tổng cộng 8 bến.
Hiện đã khai thác 2 bến khởi động (bến số 1 và 2) từ năm 2018 và đang xây dựng 4 bến tiếp theo (bến số 3, 4, 5, 6). Thủ tục thi công cho 2 bến còn lại (bến số 7 và 8) cũng đang được triển khai. Các bến từ số 3 đến số 8 sẽ lần lượt đi vào hoạt động từ năm 2024 đến 2027.
Khi hoàn thành vào năm 2027, khu bến container Lạch Huyện sẽ có 8 bến với tổng chiều dài 3.300 m, năng lực thông qua hàng container đạt 6 triệu TEU, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa của khu vực trong tương lai.
Nhờ vào việc mở rộng mạng lưới giao thông, Hải Phòng đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự liên kết, hợp tác và phát triển vùng. Với sự quyết tâm, chỉ đạo và điều hành hiệu quả trong đầu tư hạ tầng giao thông, thành phố đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị công nghiệp hiện đại, văn minh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW.
Hải Phòng là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam và là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp - cảng biển và trung tâm về kinh tế - văn hóa - y tế - giáo dục - khoa học...
Hải Phòng sở hữu diện tích đất liền 1.561,8km2 - là thành phố lớn thứ ba của Việt Nam và lớn thứ hai ở miền Bắc, chỉ sau Hà Nội.
Cảng Hải Phòng là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, lớn thứ 2 ở Việt Nam sau cảng Sài Gòn và lớn nhất miền Bắc, là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam nằm tại ba quận Hồng Bàng, Ngô Quyền và Hải An. Bên cạnh đó, cụm cảng Lạch Huyện đang được hoàn thiện sẽ mang một tầm vóc mới cho cảng biển Hải Phòng.
>> Ga đường sắt sẽ được bố trí như thế nào trong các đô thị lớn của Việt Nam?