Với nguồn lực có hạn, TP.HCM cân nhắc ưu tiên đầu tư đường Vành đai 3, Vành đai 4,… thay vì 5 tuyến đường trên cao.
Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ xây dựng 5 đường trên cao dài gần 71km, với tổng mức đầu tư hơn 89.000 tỷ đồng. Dự án được Thủ tướng duyệt quy hoạch cách đây 8 năm nhưng đến nay chưa công trình nào được triển khai do thiếu vốn.
Trước đó Sở Giao thông Vận tải đề xuất sớm đầu tư tuyến số 1 (từ nút giao Lăng Cha Cả, quận Tân Bình đến đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh). Tuyến này dài 9,5km, 4 làn xe, vốn đầu tư khoảng 17.500 tỷ đồng.
Tuyến 5 dài 34km, điểm đầu từ nút giao Trạm 2 trên xa lộ Hà Nội đến nút giao An Lạc (quận Bình Tân). Cách đây 6 năm, dự án từng được nghiên cứu đầu tư nhưng chưa triển khai. Trong đó đoạn nút giao Trạm 2 - An Sương đề xuất ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2025; đoạn còn lại (An Sương - An Lạc, dài khoảng 12,5km) triển khai giai đoạn 2025-2030.
Các tuyến khác gồm: số 2, dài gần 12km, điểm đầu giao tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả, điểm cuối tại quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh); tuyến số 3 dài 8km, điểm đầu giao tuyến số 2 tại đường Thành Thái (quận 10), điểm cuối giao đường Nguyễn Văn Linh (quận 7); tuyến số 4 dài 7,3km, điểm đầu giao tuyến số 5 trên quốc lộ 1, điểm cuối giao tuyến số 1 ở đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh).
Về 5 tuyến đường trên cao dài 71km, UBND TP.HCM đã nghiên cứu kêu gọi đầu tư, tuy nhiên vốn rất cao, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng lớn.
Riêng mức đầu tư của tuyến đường trên cao số 5 ở giai đoạn 1 hơn 15.400 tỷ đồng, được doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu làm theo hình thức PPP.
Căn cứ vào nguồn lực ngân sách và cơ sở quy hoạch, ngành giao thông TP xác định ưu tiên những dự án trong giai đoạn phát triển hiện nay như: đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Chi tiết 18 con đường được đổi sang tên mới tại thành phố đông dân nhất Việt Nam
TPHCM nhận bàn giao gói thầu 13.000 tỷ đồng của tuyến metro số 1