Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR): Áp lực trích lập dự phòng tồn kho khi giá dầu giảm mạnh
Dù tình hình kinh doanh gặp nhiều bất lợi, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vẫn sở hữu lượng tiền mặt và tương đương tiền hàng chục nghìn tỷ đồng, tạo nền tảng vững chắc để ứng phó với những biến động trong thời gian tới.
CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa ghi nhận một trong những kết quả kinh doanh quý tồi tệ nhất với khoản lỗ 1.209 tỷ đồng trong quý III/2024, so với mức lãi 3.235 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Khoản lỗ này đóng góp phần lớn vào việc lợi nhuận toàn ngành dầu khí chuyển âm gần 700 tỷ đồng trong quý, trái ngược với mức lãi 2.500 tỷ đồng quý trước.
Lũy kế 9 tháng, BSR đạt doanh thu 87.059 tỷ đồng, giảm 17,47%; lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 89,1%, còn 675 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ giá dầu Brent giảm mạnh từ 84 USD/thùng (đầu tháng 7) xuống 65 USD/thùng (giữa tháng 9, giảm 19%), khiến giá bán các sản phẩm hóa dầu và biên lợi nhuận bị thu hẹp đáng kể.
Bảng cân đối kế toán quý III/2024 cho thấy giá trị hàng tồn kho tăng hơn 2.100 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 17.659 tỷ; khoản trích lập dự phòng tăng 134% lên 290 tỷ đồng.
Cụ thể, giá trị tồn kho thành phẩm tăng gấp 4,4 lần đầu năm lên mức 6.040 tỷ đồng, giá trị trích lập dự phòng giảm giá tăng 3,3 lần lên 246 tỷ. Những yếu tố này phản ánh áp lực từ việc giá dầu và thành phẩm giảm mạnh, buộc doanh nghiệp phải bù đắp chi phí nguyên liệu đầu vào.
Theo dự báo từ Citibank, giá dầu Brent năm 2025 có thể chỉ đạt mức trung bình 60 USD/thùng, thậm chí giảm sâu xuống 40 USD/thùng nếu OPEC+ nới lỏng chính sách cắt giảm sản lượng. Áp lực dư cung từ các nước như Mỹ, Brazil, và Canada, cùng với sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Trung Quốc, tiếp tục đè nặng lên thị trường dầu mỏ.
Ngoài ra, nguy cơ chiến tranh thương mại, đặc biệt với Trung Quốc, càng làm tăng rủi ro, nhất là trong trường hợp ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Dù kết quả kinh doanh giảm sút, BSR vẫn duy trì được trạng thái dòng tiền khả quan. Lưu chuyển tiền thuần cuối quý III/2024 đạt 12.923 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức âm 4.668 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn của BSR tăng mạnh lên gần 44.300 tỷ đồng, tạo cơ sở vững chắc cho doanh nghiệp ứng phó với biến động trong thời gian tới.
Triển vọng ngành dầu khí, đặc biệt với nhóm hạ nguồn, vẫn đầy thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt trong điều hành và tối ưu hóa nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn.
>> Nhóm dầu khí lỗ ròng quý III: Nỗi lo giá dầu giảm sâu về 40 USD/thùng năm 2025
Đằng sau cú rơi mạnh nhất 13 tháng của cổ phiếu BSR
Kết quả kinh doanh quý III/2024: Lợi nhuận toàn thị trường vượt 123.000 tỷ đồng