Thị trường chứng khoán Việt Nam đã "bốc hơi" hơn 74 điểm trong tháng 4, chấm dứt chuỗi tăng giá 5 tháng liên tiếp. Liệu hiệu ứng "Sell in May" có xảy ra đối với VN-Index trong tháng 5?
Thuật ngữ “Sell in May” dần phổ biến với nhà đầu tư phố Wall từ giữa thế kỷ XX. Nhận định này nghĩa là một nhà đầu tư sẽ bán cổ phiếu để thu về tiền mặt vào đầu tháng 5 vì đây thường là giai đoạn trống vắng thông tin hỗ trợ, do kết quả kinh doanh quý I của nhiều doanh nghiệp được công bố.
Tuy nhiên, nhận định về thị trường Việt Nam, Tiến sĩ Kinh tế Võ Đình Trí cho rằng để đánh giá về diễn biến “Sell in May” là rất khó.
Nhìn lại lịch sử trong 10 năm gần nhất, VN-Index có 4/10 năm ghi nhận giảm điểm trong tháng “Sell in May”. Trong đó, tháng 5/2018 thị trường chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” hơn 79 điểm và tháng 5/2022 giảm hơn 74 điểm.
Ở chiều ngược lại, có 6/10 năm thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận diễn biến tích cực trong tháng "Sell in May".
Đặc biệt trong giai đoạn thị trường tăng phi mã từ đáy Covid 660 điểm và bắt đầu một chu kỳ giá lên đáng nhớ nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt. Theo đó, VN-Index lần lượt ghi nhận mức tăng hơn 95,4 điểm và 88,7 điểm trong tháng 5 của năm 2020-2021.
>> 35 mã cổ phiếu luôn tăng trong các tháng 5 bất chấp hiệu ứng 'Sell in May'
Nguồn: Tự tổng hợp |
Trước đó, VN-Index đã trải qua tháng 4 giao dịch đầy sóng gió khi có nhiều luồng thông tin quốc tế và trong nước tác động đáng kể tới tâm lý nhà đầu tư như căng thẳng địa chính trị, tình hình kinh tế Mỹ, biến động tỷ giá hay “lỡ hẹn” vận hành của hệ thống KRX.
Theo đó, thị trường chứng khoán Việt hơn 74 điểm về mức 1.210, tương đương với giảm 5,8% - chấm dứt chuỗi tăng giá của 5 tháng liên tiếp.
Trong buổi Talkshow trực tuyến với chủ đề “Theo dấu dòng tiền - Nắm bắt thời cơ” diễn ra vừa qua, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối đầu tư Dragon Capital từng nhận định VN-Index khó có thể có đà tăng xuyến suốt và sẽ gặp biến động mạnh trong thời gian tới.
Giải thích cho đà giảm của thị trường, ông đánh giá Việt Nam đang thiếu đi một trong ba động lực tăng trưởng kinh tế là “Chính sách tiền tệ”. Theo đó, tỷ giá VND mất giá 5% chủ yếu do chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức âm cộng hưởng cùng nhiều bất ổn ở thị trường vàng và tiền mã hóa. Để tìm điểm cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất, lãi suất tiền gửi trong nước có thể sẽ tăng 50-150 điểm trong ngắn hạn 3-6 tháng tới.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng đánh giá VN-Index khó có thể giảm sâu 15-20% (vùng 1.080 điểm) và đà giảm này của thị trường sẽ không ảnh hưởng đến nhịp tăng trung hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
>> ‘Kim chỉ nam’ của Giám đốc Dragon Capital: Tăng mua lúc thị trường xuống giá, VN-Index giảm 10% thì tăng ‘size’ tiền để đầu tư