Lừa đảo cho vay tín dụng đen - chiêu cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy
Lừa đảo tín dụng đen qua mạng ngày càng gia tăng do lợi dụng nhu cầu vay tiền online của người dân.
Trong tuần qua (từ ngày 7-13/10), Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra nhiều cảnh báo về các hình thức lừa đảo cho vay tín dụng đen đang diễn ra phức tạp.
Lợi dụng nhu cầu vay tiền trực tuyến của người dân, các đối tượng lừa đảo đã giả danh cán bộ ngân hàng, quảng cáo thủ tục vay thuận tiện và giải ngân nhanh chóng để chiếm đoạt tài sản.
Điển hình là vụ việc đang được Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) điều tra, trong đó chị N (sinh năm 1982) bị lừa gần 400 triệu đồng.
Ngày 2/10, do có nhu cầu vay 150 triệu đồng, chị N đã liên hệ qua một trang web cho vay được quảng cáo là ngân hàng. Sau khi cung cấp thông tin cá nhân qua đường link do đối tượng gửi, chị N được thông báo khoản vay đã được phê duyệt nhưng cần phải chuyển 15 triệu đồng để sửa lỗi tài khoản.
Mặc dù đã chuyển khoản, chị N vẫn không nhận được khoản vay, và sau đó tiếp tục bị yêu cầu chuyển tiền thêm với nhiều lý do khác. Tổng cộng, chị N đã chuyển gần 400 triệu đồng trước khi nhận ra mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Hình ảnh minh họa, nguồn: Cục An toàn Thông tin |
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa đảo là mạo danh nhân viên của các ngân hàng lớn, hứa hẹn thủ tục vay đơn giản, không cần chứng minh tài sản.
Sau khi người vay đăng ký, chúng yêu cầu trả trước các khoản phí như phí dịch vụ hoặc hồ sơ, nhưng sau đó không giải ngân khoản vay. Một số kẻ lừa đảo thậm chí yêu cầu người vay tải ứng dụng giả mạo để đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.
Các dịch vụ cho vay online giả mạo này ban đầu thu hút người dùng với lãi suất thấp, nhưng sau khi giải ngân, các điều khoản vay đột ngột thay đổi với lãi suất cao cùng các khoản phí phạt vô lý. Người vay không trả được nợ sẽ bị đe dọa hoặc bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội, gây áp lực tinh thần nghiêm trọng.
Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân nên thận trọng trước các quảng cáo cho vay không thế chấp tràn lan trên mạng. Chỉ nên vay tiền từ các tổ chức tài chính, ngân hàng uy tín và đã được cấp phép hoạt động.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm qua các đường link lạ và không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng không rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
>> Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo cấp giấy phép sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ với giá ‘cắt cổ’
Chiêu trò lừa đảo tiền ảo của Chủ tịch Mario Capital
Công an tìm nạn nhân của vụ lừa đảo cầm cố vàng giả lấy tiền thật