Người dùng Việt bị lừa đảo nhiều nhất qua cuộc gọi; Tội phạm mạng ngày càng nhanh;... là những thông tin công nghệ trong nước nổi nổi bật tuần qua.
Người dùng Việt bị lừa đảo nhiều nhất qua cuộc gọi
Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) mới đây đã công bố bản báo cáo về tình trạng lừa đảo tại các quốc gia và khu vực thuộc châu Á, trong đó có Việt Nam.
Số liệu của GASA cho thấy, Việt Nam thuộc nhóm đứng giữa với khoảng hơn 10% người khảo sát cho biết họ gặp phải lừa đảo hằng ngày, 20% nói rằng gặp lừa đảo mỗi tuần và khoảng 25% cho biết gặp lừa đảo vài tháng 1 lần.
Giám đốc điều hành GASA, ông Jorij Abraham, cho biết các phương thức truyền thống như gọi điện và nhắn tin SMS vẫn là kênh tiếp cận nạn nhân phổ biến nhất của những kẻ lừa đảo.
Số liệu của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu cũng chỉ ra rằng, cuộc gọi và tin nhắn SMS lừa đảo chiếm hai vị trí dẫn đầu trong các kênh lừa đảo phổ biến ở 8 trên 11 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát.
Tại Việt Nam, 80,2% người được hỏi cho biết từng bị kẻ lừa đảo tiếp cận qua cuộc gọi điện thoại, 57,5% qua tin nhắn SMS và 49,9% qua ứng dụng nhắn tin OTT.
Những kịch bản lừa đảo phổ biến nhất tại Việt Nam là lừa đảo đầu tư tài chính (12.5%), lừa đảo mua sắm (12,3%), đánh cắp dữ liệu (12,2%), lừa đảo việc làm (9%) và lừa đảo từ thiện (4,8%).
Có một con số đáng lưu ý, chỉ 26% người bị lừa đảo ở Việt Nam báo cáo vụ việc lên cơ quan chức năng, xếp thứ 10 trong 11 quốc gia khảo sát.
Ra mắt cẩm nang phòng tránh lừa đảo cho người cao tuổi
Ngày 16/11, cẩm nang 'An toàn trực tuyến' đã được chính thức giới thiệu trên Cổng không gian mạng quốc gia tại địa chỉ khonggianmang.vn và lan tỏa đến 63 tỉnh thành trong cả nước.
Cẩm nang được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) phối hợp với Google cung cấp.
Cùng với các nhóm đối tượng khác như trẻ em, sinh viên hay người lao động thu nhập thấp, thời gian qua, nhóm người cao tuổi cũng là 1 trong những đối tượng mà các nhóm tấn công lừa đảo nhắm tới.
Nguyên nhân là do người cao tuổi thường ít được tiếp cận, cập nhật các thông tin liên quan đến chống lừa đảo, vì thế, họ không có đủ sức đề kháng để ứng phó các thủ đoạn lừa đảo tinh vi của kẻ xấu.
Trong ‘Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến’ phát hành hồi trung tuần tháng 6/2023, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã điểm ra 15 hình thức lừa đảo nhắm đến nhóm đối tượng người cao tuổi như: Lừa đảo ‘combo du lịch giá rẻ’; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; lừa đảo ‘khóa SIM’ vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng...
Các nội dung trong cẩm nang 'An toàn trực tuyến’ được chọn lọc, thể hiện dưới hình thức infographic dễ nhìn, dễ hiểu và áp dụng.
Cẩm nang cũng được gán mã QR code để mọi người dễ dàng hơn trong việc sử dụng làm ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân.
Việt Nam có trường cao đẳng đầu tiên đào tạo bán dẫn
Trường Cao đẳng FPT Polytechnic và tổ chức giáo dục Pearson (Vương quốc Anh) vừa ký kết chuyển giao chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn.
Theo đó, chương trình đào tạo sẽ được triển khai tại Cao đẳng Anh quốc BTEC FPT - trực thuộc FPT Polytechnic. BTEC FPT do đó sẽ chính thức trở thành đơn vị cao đẳng đầu tiên tại Việt Nam đào tạo ngành công nghệ bán dẫn.
Công nghiệp bán dẫn là ngành kinh tế có quy mô hàng tỷ USD. Thế nhưng, ngành công nghiệp này lại đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về nhân lực trầm trọng.
Sự hợp tác giữa FPT Polytechnic và Pearson sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo nhân lực bán dẫn của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong tương lai.
Trước đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) cũng mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử.
Hồi tháng 9/2023, Trường Đại học FPT cũng đã công bố việc thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này và thực hiện các nghiên cứu về vi mạch và bán dẫn, tham gia nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn.
Tội phạm mạng ngày càng nhanh
Báo cáo ‘Mối đe dọa bề mặt tấn công năm 2023’ do nhóm nghiên cứu bảo mật Unit 42 của Palo Alto Networks thực hiện đã chỉ ra rằng: Tội phạm mạng ngày nay có khả năng quét toàn bộ không gian địa chỉ IPv4 để tìm các mục tiêu dễ bị tấn công chỉ trong vài phút.
Thời gian tội phạm mạng khai thác các lỗ hổng cũng ngày càng rút ngắn. Đơn cử như, theo nghiên cứu của Palo Alto Networks, rà soát 30 lỗ hổng và phơi nhiễm bảo mật thường gặp cho thấy 30% nguy cơ có thể được khai thác trong vài giờ và 63% số nguy cơ có thể được khai thác trong vòng 12 tuần sau công khai.
Rà soát 15 lỗ hổng thực thi mã từ xa cho thấy, 20% bị các nhóm mã độc nhắm đến chỉ sau vài giờ và 40% bị khai thác trong vòng 8 tuần sau công khai.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Hoàng Quang Huy, Giám đốc Palo Alto Networks Việt Nam nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi sang các hệ thống dựa trên đám mây và môi trường làm việc từ xa đã và đang làm tăng nguy cơ bị khai thác lỗ hổng bề mặt.
Các doanh nghiệp, tổ chức đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc quản lý bề mặt tấn công ở tốc độ và quy mô cần thiết để chống lại sự tự động hoá từ các tác nhân đe dọa.
(Tổng hợp)