Câu chuyện đầu tư

Lượng sản xuất xút - clo của đối thủ nguy cơ bị giảm 50% thời gian tới, cơ hội cho Hóa chất Đức Giang (DGC)?

Thu Huyền 09/09/2024 - 15:36

CTCK dự kiến việc di dời nhà máy của CSV sẽ khiến sản lượng sản xuất xút - clo bị sụt giảm 50%/năm trong giai đoạn 2025-2030.

CTCP Hóa chất Cơ bản miền Nam (HoSE: CSV) sẽ di dời ba nhà máy Đồng Nai, Biên Hòa và Tân Bình 2 nằm trong KCN Biên Hòa 1 sang KCN Nhơn Trạch 6. Hiện nay, công ty đã đóng đủ tiền thuê đất tại KCN Nhơn Trạch 6 và đang đẩy nhanh quá trình di dời nhà máy. Tuy nhiên, dự án đang gặp phải một số vướng mắc liên quan đến vấn đề quy hoạch, do đó việc di dời vẫn chưa được tiến hành.

Để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh sự sụt giảm sản lượng đột ngột, CSV sẽ di dời các dây chuyền theo 3 giai đoạn. Ban lãnh đạo dự kiến việc di dời sẽ hoàn tất vào năm 2030:

Giai đoạn 1: Di dời dây chuyền sản xuất xút - clo công suất 20.000 tấn xút/năm và Nhà máy Hóa chất Đồng Nai.

Giai đoạn 2: Di dời dây chuyền sản xuất xút - clo công suất 15.000 tấn xút/năm.

Giai đoạn 3: Di dời dây chuyền sản xuất xút - clo công suất 15.000 tấn xút/năm, Nhà máy Hóa chất Tân Bình 2 và các dây chuyền sản xuất còn lại của Nhà máy Hóa chất Biên Hòa.

Lượng sản xuất xút - clo của đối thủ nguy cơ bị giảm 50% thời gian tới, cơ hội cho Hóa chất Đức Giang (DGC)?
Các nhà máy và sản phẩm của CSV

Tổng mức đầu tư cho việc di dời dự án, theo chia sẻ của CSV, là khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó cơ cấu vốn gồm 30% vốn tự có và 70% vốn vay. Công ty sẽ nhận được tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tại KCN Biên Hòa 1, tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai hiện vẫn chưa công bố giá trị khoản bồi thường.

Chứng khoán FPT (FPTS) dự kiến việc di dời nhà máy của CSV sẽ được tiến hành trong giai đoạn 2025 – 2030. Trong giai đoạn di dời, sản lượng sản xuất của CSV sẽ bị sụt giảm 50%/năm, do đó CSV sẽ phải thương mại hóa một số sản phẩm để duy trì mối quan hệ với khách hàng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và biên lợi nhuận gộp của CSV.

Ngoài ra, công ty chứng khoán đánh giá việc mở rộng sản xuất xút của CSV trong dài hạn vẫn sẽ bị hạn chế do chưa giải quyết triệt để vấn đề mất cân bằng sản phẩm xút – clo.

Trong nửa cuối năm 2024, FPTS dự phóng giá xút của CSV sẽ tiếp tục sụt giảm 8% so với cùng kỳ và 4% so với nửa đầu năm, tương ứng với sự sụt giảm giá xút tại thị trường Trung Quốc do: (1) Nhu cầu tiêu thụ phục hồi chậm do lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc suy yếu, thể hiện qua chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất trong tháng 7 tiếp tục sụt giảm 0,1 điểm xuống còn 49,4 điểm. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp PMI sản xuất của Trung Quốc dưới mức 50 điểm; (2) Nguồn cung xút tăng do công suất sản xuất mới 2,3 triệu tấn sẽ được bổ sung trong nửa cuối năm 2024.

Tuy nhiên, FPTS cho rằng tình hình tiêu thụ các sản phẩm hóa chất của CSV sẽ tiếp tục cải thiện trong nửa cuối năm 2024 nhờ lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam duy trì đà hồi phục.

Theo báo cáo chỉ số PMI tháng 7 của Việt Nam do S&P Global công bố, chỉ số PMI tháng 7 của ngành sản xuất Việt Nam đạt 54,7 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 11/2018. Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng của các nhà sản xuất đều tăng mạnh, cho thấy lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang có diễn biến khá tích cực.

Lượng sản xuất xút - clo của đối thủ nguy cơ bị giảm 50% thời gian tới, cơ hội cho Hóa chất Đức Giang (DGC)?
Công suất xút của Việt Nam luôn thiếu hụt so với nhu cầu

Về dài hạn, FPTS cho rằng tình hình tiêu thụ xút của CSV tương đối khả quan và dự phóng sản lượng tiêu thụ xút của CSV trong giai đoạn 2025 – 2030 sẽ tăng trưởng kép 4,6%/năm, đạt 35.000 tấn vào năm 2030 nhờ: (1) Nguồn cung xút trong nước thiếu hụt, (2) nhu cầu tiêu thụ xút được dự báo tăng trưởng khoảng 10% trong giai đoạn 2025 – 2030, (3) sản phẩm xút của CSV có lợi thế cạnh tranh hơn so với xút nhập khẩu.

CSV gặp khó, "cơ hội vàng" cho Hóa Chất Đức Giang (DGC)?

CSV và DGC đều là những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực hóa chất, và cả hai đều giữ vị thế top 1 trên thị trường trong nước ở phân khúc sản phẩm của mình là xút và phốt pho vàng.

Tuy nhiên, các sản phẩm của hai doanh nghiệp này có sự tương đồng khi đều nằm trong cùng chuỗi giá trị cung ứng, do đó, sự cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi.

Đáng chú ý, khi dự án Đức Giang Nghi Sơn được đưa vào vận hành vào cuối năm nay, hai đơn vị này sẽ trực tiếp đối đầu nhau ở mảng sản xuất xút.

Sản lượng sản xuất xút - clo của đối thủ Hóa chất Đức Giang (DGC) sẽ bị sụt giảm 50%/năm trong giai đoạn 2025-2030
Chuỗi giá trị cung ứng ngành hóa chất (Nguồn: DSC)

Theo tìm hiểu, mảng xút - clo đóng góp hơn 50% tổng doanh thu hàng năm của CSV. Các sản phẩm xút của doanh nghiệp này có cơ cấu đa dạng như xút 25%, 32%, 40%, 50%, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều phân khúc khách hàng trên thị trường.

Cùng với đó, CSV là doanh nghiệp sở hữu dây chuyền sản xuất xút và các dẫn xuất hiện đại nhất hiện nay, chiếm 20% tổng công suất xút - clo cả nước. So với các đối thủ khác, doanh nghiệp này có lợi thế về định mức tiêu hao hai nguyên liệu đầu vào chính là muối công nghiệp và điện (chiếm 70-80% giá thành sản phẩm).

Tuy nhiên, nếu Đức Giang có thể đưa dự án Đức Giang Nghi Sơn vào vận hành vào cuối năm nay, Chứng khoán DSC nhận định giai đoạn I của dự án sẽ tập trung vào sản xuất xút và các sản phẩm từ khí clo, với ước tính doanh thu đạt 240.000 tỷ đồng. DSC dự đoán biên lợi nhuận của giai đoạn I sẽ đạt khoảng 17-19%, tương đương với CSV do công nghệ của DGC cần sử dụng nhiều muối đầu vào hơn.

>> Lãi ròng của Hóa chất Đức Giang (DGC) có thể tăng 31% trong nửa cuối năm 2024

Đối thủ của Hóa chất Đức Giang (DGC) bị phạt và truy thu thuế hàng trăm triệu đồng

Lãi ròng của Hóa chất Đức Giang (DGC) có thể tăng 31% trong nửa cuối năm 2024

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/luong-san-xuat-xut-clo-cua-doi-thu-nguy-co-bi-giam-50-thoi-gian-toi-co-hoi-cho-hoa-chat-duc-giang-dgc-248177.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Lượng sản xuất xút - clo của đối thủ nguy cơ bị giảm 50% thời gian tới, cơ hội cho Hóa chất Đức Giang (DGC)?
POWERED BY ONECMS & INTECH