Lượng tìm kiếm từ khóa 'xe điện Trung Quốc' cao nhất từ trước đến nay, sản lượng vượt 10 triệu chiếc
Ngành xe điện của Trung Quốc đã đạt được thành công đáng kể khi vượt qua sản lượng hàng năm là 10 triệu chiếc trong năm nay.
Sự quan tâm đến xe điện đang tăng mạnh trên toàn thế giới, nhưng dữ liệu gần đây của Google Trends (công cụ cập nhật tất cả xu hướng đang thịnh hành trên toàn cầu được Google công bố vào năm 2004) cho thấy động lực thúc đẩy điều đó có thể là sức hấp dẫn về mặt công nghệ hơn là mối lo ngại về tình trạng nóng lên toàn cầu.
Một chuyên gia về môi trường đã liên kết sự thay đổi này với việc chính trị hóa vấn đề biến đổi khí hậu. Các lượt tìm kiếm về những từ khóa “xe điện” và “EV” trên Google đã tăng đều đặn trong 1 thập kỷ qua, với việc cụm từ “EV Trung Quốc” đạt mức search từ người dùng cao nhất mọi thời đại trong năm nay.
Cột mốc này đánh dấu sự thành công của ngành xe điện Trung Quốc khi đã vượt qua sản lượng hàng năm là 10 triệu chiếc trong năm 2024.
Theo Google, sự gia tăng đột biến trong xu hướng tìm kiếm cho thấy mức độ quan tâm của người dùng đối với một chủ đề cụ thể tăng so với mức thông thường.
Tìm kiếm về “sự nóng lên toàn cầu” ở mức thấp nhất trong hai thập kỷ
Tờ South China Morning Post đưa tin, số lượt tìm kiếm thông tin về “sự nóng lên toàn cầu” đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua kể từ khi bắt đầu theo dõi vào năm 2004, một con số trước đây chỉ đạt được trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19.
Theo Paul Harris, Giáo sư chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu toàn cầu và Môi trường tại Đại học Giáo dục Hồng Kông (Trung Quốc), đã có sự dịch chuyển toàn cầu khỏi việc sử dụng thuật ngữ “sự nóng lên toàn cầu”. Đối với các nhà khoa học, điều này là do sự nóng lên, cùng với các tác động khác của việc tăng phát thải khí nhà kính, được bao hàm trong khái niệm rộng hơn về biến đổi khí hậu.
Việc chuyển sang sử dụng thuật ngữ “biến đổi khí hậu” không đi kèm với sự chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu về vấn đề này. Khái niệm ấy vẫn mang tính chính trị cao, vướng vào các cuộc tranh luận trong nước và địa chính trị, đồng thời chịu ảnh hưởng của nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Những người ủng hộ hành động vì khí hậu thường áp dụng thuật ngữ thay thế để giải quyết những thách thức đó, ông Harris lưu ý.
Theo Climate Power, vấn đề nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu và môi trường lên đến đỉnh điểm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000.
Gần đây, trọng tâm ở Hoa Kỳ đã chuyển sang thúc đẩy năng lượng tái tạo để tạo việc làm, vì cách tiếp cận này được coi là có thể chấp nhận được về mặt chính trị hơn là tập trung vào lợi ích về môi trường hoặc sức khỏe.
Mục tiêu năng lượng sạch của Bắc Kinh bị che mờ bởi than đá và xung đột thương mại gia tăng
Giáo sư Paul Harris lưu ý rằng trong khi Trung Quốc dẫn đầu về năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nước này vẫn tiếp tục phê duyệt các nhà máy điện chạy bằng than mới và lập kỷ lục về sản lượng than. Nỗ lực thúc đẩy năng lượng sạch và xe điện của Bắc Kinh là một phần trong chiến lược đa dạng hóa lưới điện và đạt được khả năng tự cung tự cấp.
Tuy nhiên, lo ngại về tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc đã khiến Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp thuế đối với xe điện và các sản phẩm năng lượng tái tạo của nước này, làm leo thang căng thẳng thương mại.
Theo Giáo sư Harris, quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch là điều tất yếu vì những lợi ích lâu dài của nó, nhưng vấn đề là những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết biến đổi khí hậu đang tiến triển rất chậm.
Một mục tiêu chính của chính sách khí hậu quốc tế là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức “thấp hơn nhiều” 2℃ (35,6°F) so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Năm nay đánh dấu năm đầu tiên mà sự nóng lên dự kiến sẽ vượt quá mức 1,5℃ so với các mức đó.
Tuy nhiên, trong khi việc duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 2℃ là điều có thể thực hiện được trên thực tế, Giáo sư Harris lưu ý rằng điều này có thể “bất khả thi về mặt chính trị” xét theo tình hình địa chính trị hiện tại.
Theo Interesting Engineering/Yahoo! New