Dường như Nhật Bản là "vùng đất bị lãng quên" trong cuộc đua chuyển đổi năng lượng của thế giới.
Sau khi thảm họa sóng thần năm 2011 khiến nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima Daiichi gặp sự cố, hai nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 thế giới đã quyết định sẽ thực hiện những thay đổi rất lớn trong chính sách năng lượng. Tuy nhiên, họ lại rẽ theo 2 hướng hoàn toàn khác nhau.
Nhật Bản ngay lập tức đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và bù đắp sự hao hụt bằng cách đốt thêm nhiều than đá. Trong khi đó, Đức thông báo giảm điện hạt nhân một cách chậm rãi hơn rất nhiều, đồng thời lựa chọn điện gió và năng lượng mặt trời làm nguồn thay thế.
12 năm sau, những lựa chọn này cũng mang đến những kết quả rất khác nhau.
Ở Đức, sau khi bùng nổ, năng lượng tái tạo đã chiếm tỷ trọng lên tới 58% trong năm ngoái. Lượng khí thải bình quân đầu người giảm 21% so với năm 2010, dù GDP bình quân đầu người tăng khoảng 14%.
Ngược lại, Nhật Bản gần như là nước duy nhất trong nhóm các nước phát triển chứng kiến tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch tăng lên trong thập kỷ vừa qua. Tỷ trọng nhiên liệu sạch giảm xuống còn 28%. Lượng khí thải chỉ giảm 8,6% trong khi GDP bình quân đầu người tăng 9,4%, tất cả đều thấp hơn Đức.
Trước khi xung đột ở Ukraine khiến Đức bị mất nguồn cung khí đốt từ Nga, người dân Nhật Bản thậm chí còn phải trả tiền điện cao hơn.
Vì sao nơi diễn ra lễ ký hiệp ước giảm khí thải lớn đầu tiên của thế giới, quốc gia phát minh ra một loạt công nghệ sạch như pin lithium-ion, xe hybrid và máy tính năng lượng mặt trời lại bị tụt lại phía sau xa như vậy?
Nhiều yếu tố bất lợi
Câu trả lời bao gồm rất nhiều lý do cả khách quan và chủ quan. Đó cũng là lời cảnh báo cho các quốc gia khác đang tin rằng cuộc cách mạng năng lượng tái tạo sẽ đủ mạnh để chống chọi với một loạt gánh nặng ngày càng lớn hơn.
Một số vấn đề của Nhật Bản xuất phát từ yếu tố địa lý. Thông thường các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm rất nhiều không gian, nhưng địa hình nhiều đồi núi của nước này khiến việc chọn địa điểm trở nên khó khăn hơn. Diện tích đất nông nghiệp mà Nhật Bản canh tác để cung cấp lương thực cho 126 triệu dân (loại đất phù hợp nhất để xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo) chỉ lớn hơn một chút so với những nước ít dân hơn như Ireland hay Guatemala.
Vấn đề càng rắc rối hơn khoảng 1/5 diện tích đất nông nghiệp và 11% tổng diện tích đất ở Nhật Bản không có chủ sở hữu. Luật thừa kế lỏng lẻo khiến trên giấy tờ rất nhiều đất đai chính thức thuộc sở hữu của những người đã qua đời từ nhiều năm trước.
Đối với các dự án điện gió và điện mặt trời, quy mô dự án phải đủ lớn thì mới có thể giảm chi phí. Tuy nhiên, điều đó gần như là không thể ở Nhật Bản vì các chủ đầu tư thường không thể gom được diện tích đất đủ lớn khi không biết chủ sở hữu là ai. Trong hai trang trại điện mặt trời lớn nhất ở Nhật Bản, 1 được phát triển trên cánh đồng muối và 1 là trên nền nhà máy đóng tàu cũ. Không có nhiều địa điểm như vậy trên cả nước.
Vì Nhật Bản phải chịu nhiều động đất và các cơn bão, các công trình lớn bắt buộc phải đảm bảo có khả năng chống chọi với thảm họa rất cao. Những turbine gió loại III với trọng lượng nhẹ và thiết kế tối ưu nhất mà các nước khác sử dụng rất hiếm khi xuất hiện ở Nhật Bản vì chúng sẽ dễ dàng bị gió lớn phá hủy.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất có lẽ là cấu trúc của thị trường điện ở Nhật Bản. Nước Nhật không có lưới điện quốc gia như các nước khác. Thay vào đó, 10 công ty điện lực riêng biệt thường tự vận hành mạng lưới điện của các vùng mà họ quản lý từ nhiều đời nay.
Vì thế, ví dụ 1 công ty muốn tận dụng nguồn tài nguyên ánh sáng mặt trời ở đảo Kyushu ở phía Nam để cung cấp năng lượng tái tạo cho thủ đô Tokyo sẽ phải đàm phán với 5 công ty điện lực khác để đảm bảo việc truyền tải điện được vận hành trơn tru.
Những công ty điện lực này thường hoạt động theo mô hình tích hợp theo chiều dọc, sở hữu mọi thứ từ các tổ máy phát điện cho đến đường dây truyền tải và cả các nhà bán lẻ điện. Do đó họ sẽ không muốn hợp tác với các công ty điện tái tạo – vốn là những “tay chơi mới” đe dọa sẽ chiếm lấy thị phần.
Năm 2020, Nhật Bản đã ban hành các quy định mới để phá vỡ thế độc quyền. Tuy nhiên cho đến nay có rất ít bằng chứng cho thấy việc này tỏ ra hiệu quả. Chênh lệch giá điện giữa phía Đông và phía Tây vẫn rất lớn.
Điện mặt trời bùng nổ trên thế giới nhưng gần như "đứng yên" ở Nhật Bản. |
Hiện Nhật Bản vẫn là nước có sản lượng điện mặt trời lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Chủ yếu là nhờ cam kết chính phủ sẽ trả 27 cent cho mỗi Kwh trong 20 năm. Tuy nhiên chính sách này lại khiến giá neo ở mức cao. Ở hầu hết các nước khác giá sẽ được quyết định dựa theo kết quả đấu thầu.
Kết quả là giá điện sạch ở Nhật Bản rất cao. Giá điện gió cao gấp 3 lần so với Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Tây Ban Nha. Đến năm ngoái giá điện mặt trời mới giảm xuống dưới ngưỡng 100 USD/MWh mà hầu hết các nước phát triển khác đã đạt được từ giữa thập kỷ trước.
Nếu như Nhật Bản không khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân và nhu cầu điện không giảm như dự tính của Chính phủ nước này, nhiên liệu hóa thạch có thể chiếm đến 60% tổng lượng điện mà Nhật Bản tạo ra vào năm 2030. Tỷ lệ này tương đương với nước Đức trong những năm 1990.
Và bước lùi năng lượng của Nhật Bản sẽ gây ra những hệ lụy ở cả bên ngoài lĩnh vực môi trường. Năng lượng hóa thạch hiện chiếm khoảng 30% kim ngạch nhập khẩu, làm thâm hụt thương mại tăng lên và gia tăng áp lưc lạm phát ở xã hội đã quá quen với việc giá cả ổn định trong suốt mấy chục năm.
Đất nước đã trải qua cả trăm năm đau đáu nỗi lo lắng tài nguyên thiên nhiên sẽ cạn kiệt giờ đang có gần 3/4 lượng điện trông cậy vào những container được nhập khẩu qua đường biển.
Đó là 1 sự lãng phí khủng khiếp. Nhật Bản hoàn toàn có thể phát triển thủy điện và điện gió. Đối với thế giới đang khao khát tiến đến mục tiêu net-zero, Nhật Bản là ví dụ điển hình mà các nước khác nên nhìn vào để tránh mắc phải những sai lầm tương tự.
>> Dân số già hóa khiến hàng nghìn trường học tại Nhật Bản đóng cửa
Huyện thuộc tỉnh sở hữu nhiều thuỷ điện nhất Việt Nam đề xuất quy hoạch thêm 15 thủy điện
Là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, tại sao Trung Quốc không cần đóng góp quỹ khí hậu toàn cầu?